Nhiều quốc gia tại “Lục địa Già” đang rậm rịch dỡ bỏ dần các hạn chế đi lại, mang tới cuộc sống “dễ thở” hơn cho người dân cũng như triển vọng phục hồi mạnh mẽ cho ngành du lịch khi kỳ nghỉ Hè tới gần. “Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” (EU digital COVID certificate), một công cụ được đề xuất với mục tiêu tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân Liên minh châu Âu (EU) và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7 tới sau khi được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua, đang được kỳ vọng sẽ trở thành "chìa khóa" để mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch.
Chứng nhận kỹ thuật số về COVID gồm 3 nội dung là chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc chứng minh có miễn dịch sau khi đã mắc COVID-19, cho thấy người sở hữu chứng nhận không gây lây lan dịch bệnh.
Các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị thượng đỉnh EU ngày 25/5 tại Brussels (Bỉ) đã hoan nghênh Chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19.
Các nhà lập pháp Nghị viện châu Âu và Bồ Đào Nha - Chủ tịch luân phiên EU - đại diện cho các quốc gia thành viên đã đạt được thỏa thuận về ''hộ chiếu vaccine''. Ủy ban châu Âu (EC) kỳ vọng thỏa thuận mới sẽ sớm cho phép du khách đoàn tụ với bạn bè và người thân của họ sống ở châu Âu và hỗ trợ nền kinh tế của khối vào mùa Hè này. Sau khi đã đạt được thỏa thuận, Nghị viện châu Âu dự kiến sẽ thông qua điều luật trong tuần kể từ ngày 7/6 và cho phép hơn 10 quốc gia EU, bao gồm cả Pháp và Tây Ban Nha, thử nghiệm hệ thống này trước khi ra mắt vào ngày 1/7.
“Chứng nhận kỹ thuật số về COVID của EU” là một mã QR hiển thị trên các thiết bị di động thông minh hoặc có thể in ra giấy để tiện mang theo khi người dùng di chuyển liên quốc gia. Mã QR này sẽ cho phép cơ quan chức năng theo dõi dữ liệu dịch tễ liên quan COVID-19 của khách du lịch, như họ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 hay chưa, có được xét nghiệm trong thời gian gần đây hay không, hoặc đã có kháng thể do từng mắc căn bệnh này.
Đối với chứng nhận tiêm vaccine, những người đã được tiêm đủ liều 1 trong 4 loại vaccine của các hãng mà Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) phê chuẩn, gồm: Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson, sẽ được chấp nhận.
Theo Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, EU đã đạt được "những bước tiến ổn định về công tác tiêm chủng". Bà cho biết mục tiêu của EU là tiêm chủng đầy đủ cho 75% số người trưởng thành vào cuối tháng 7 tới.
Hiện 46% dân số trưởng thành của EU đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine ngừa COVID-19, trong khi 300 triệu liều nữa sẽ được bàn giao vào cuối tháng này. Nếu xu hướng này tiếp diễn, các nước EU "có thể tự tin" sẽ mở cửa trở lại một cách an toàn.
Đánh giá về sáng kiến của EU, bà Gloria Guevara thuộc Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) gọi chứng nhận này "là một bước tiến lớn hướng tới sự phục hồi của ngành du lịch trong khu vực", giúp các nước EU kịp thời đón luồng khách vào mùa du lịch Hè.
Với nhiều tín hiệu đáng mừng, EC dự đoán nền kinh tế khối này sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay.
Đầu tàu thế giới tăng tốc
Báo cáo do Hiệp hội Kinh tế doanh nghiệp quốc gia Mỹ (NABE) công bố ngày 24/5 nêu dự báo của một số chuyên gia cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể tăng trưởng 6,5% trong năm nay. Theo chỉ số hồi phục của CNN và hãng phân tích Moody's, nền kinh tế Mỹ đã hồi phục 90% so với thời điểm đại dịch bùng phát cách đây một năm nhờ tác động tích cực từ tỷ lệ tiêm chủng tăng nhanh chóng. Các hạn chế đối với doanh nghiệp đã được nới lỏng, ngày càng nhiều người Mỹ ra ngoài mua sắm, ăn uống và du lịch. Các gói hỗ trợ lớn của chính phủ liên bang cũng góp phần không nhỏ giúp bức tranh kinh tế sôi động trở lại.
Tiểu bang đông dân nhất của Mỹ là California chuẩn bị dỡ bỏ các giới hạn về tụ tập nơi công cộng và giãn cách phòng dịch COVID-19, ngoại trừ những sự kiện đông người tham gia.
Theo kế hoạch của Thống đốc Gavin Newsom, bang California sẽ mở cửa toàn bộ nền kinh tế từ ngày 15/6 sau thời gian chứng kiến tỉ lệ tiêm vaccine tăng mạnh. Trên bình diện toàn quốc, Đài NPR ghi nhận chương trình tiêm phòng của Mỹ từ 0 đã tăng lên 50% trong chưa đầy 6 tháng. Tính đến trưa 25/5 (giờ Mỹ), chính quyền Tổng thống Joe Biden cho hay phân nửa dân số trưởng thành của Mỹ (gần 130 triệu người từ 18 tuổi trở lên) đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19.
Trong khi đó, CNN cho rằng Mỹ vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua để trở lại phong độ của "thời không COVID-19". Dù chương trình tiêm chủng đạt hiệu quả tích cực và người dân đã tăng chi tiêu cho ăn uống, du lịch nhưng Mỹ vẫn thiếu hàng triệu việc làm so với trước dịch.
An Bình