Cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới 

(ĐCSVN) – Liên hợp quốc và các đối tác cảnh báo năm 2020, 155 triệu người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Cảnh báo tình trạng mất an ninh lương thực trên thế giới

Đó là số liệu được chỉ ra trong báo cáo thường niên mới nhất của Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực (GNAFC), một liên minh quốc tế tập hợp các cơ quan của Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu và các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trong cuộc chiến chống khủng hoảng lương thực. Báo cáo Khủng hoảng Lương thực Toàn cầu năm 2021 cho thấy xung đột, các cú sốc kinh tế, thường liên quan đến đại dịch COVID-19 và điều kiện thời tiết khắc nghiệt tiếp tục đẩy hàng triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

Tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm gia tăng từ năm 2017

Theo báo cáo, trong số những người bị ảnh hưởng, khoảng 130.000 người vào năm 2020 đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng nhất (giai đoạn 5) ở Burkina Faso, Nam Sudan và Yemen, nơi cần phải can thiệp khẩn cấp để tránh nhiều trường hợp tử vong và nguồn sinh kế bị sụp đổ hoàn toàn. Ít nhất 28 triệu người đang phải đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng tương ứng với tình trạng khẩn cấp (giai đoạn 4) vào năm 2020 - rất gần với nạn đói  ở 38 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trải qua khủng hoảng lương thực trong 5 năm, số người phải đối mặt với mức độ mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng từ 94 triệu lên 147 triệu người trong giai đoạn 2016 – 2020.

Ngoài ra, báo cáo cho thấy tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ bị khủng hoảng lương thực, có hơn 75 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thấp còi (quá thấp) và hơn 15 triệu trẻ em trong số đó bị gầy còm (gầy gò quá mức) vào năm 2020.

Các nước châu Phi vẫn bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Vào năm 2020, gần 98 triệu người bị ảnh hưởng ở lục địa châu Phi, tức cứ 3 người thì có 2 người bị mất an ninh lương thực. Yemen, Afghanistan, Syria và Haiti nằm trong số 10 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi cuộc khủng hoảng lương thực năm 2020.

3 nguyên nhân chính làm gia tăng tình trạng mất an ninh lương thực

Theo Liên hợp quốc, xung đột là yếu tố chính đẩy gần 100 triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, con số cao hơn so với 77 triệu người vào năm 2019.

Các cú sốc kinh tế, thường do đại dịch COVID-19 gây ra, là nguyên nhân thứ hai dẫn tới tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, cả về số người và số quốc gia bị ảnh hưởng. Hơn 40 triệu người ở 17 quốc gia và vùng lãnh thổ phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực vào năm 2020, tăng từ 24 triệu người ở 8 quốc gia vào năm 2019.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan là nguyên nhân thứ ba với hơn 15 triệu người bị ảnh hưởng, giảm so với 34 triệu người của năm trước.

Triển vọng ảm đạm cho năm 2021 và hơn thế nữa

Trong bối cảnh xung đột sẽ vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc khủng hoảng lương thực vào năm 2021, đại dịch COVID-19 và các biện pháp đã được thực hiện để kiềm chế nó và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng ở các nền kinh tế mong manh.

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres phát biểu nhấn mạnh tình trạng xung đột và nạn đói đang tác động lẫn nhau. Vì vậy, “chúng ta phải giải quyết nạn đói và xung đột cùng một lúc để chấm dứt cả hai thảm họa. (...) Chúng ta phải làm mọi thứ để chấm dứt vòng luẩn quẩn này". Ông António Guterres nêu rõ cuộc chiến chống nạn đói là một trong những nền tảng của ổn định và hòa bình.

Trong tuyên bố chung được công bố cùng với báo cáo, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cũng cho biết: “Một năm sau khi đại dịch COVID-19 được công bố, triển vọng rất ảm đạm cho năm 2021 và hơn thế nữa. Xung đột, các hạn chế liên quan đến đại dịch, những khó khăn kinh tế và mối đe dọa kéo dài của điều kiện thời tiết khắc nghiệt có khả năng tiếp tục gây ra khủng hoảng lương thực”.  “Đại dịch COVID-19 đã cho thấy sự mong manh của hệ thống lương thực toàn cầu và nhu cầu làm cho các hệ thống trở nên công bằng, bền vững và linh hoạt hơn để chúng liên tục cung cấp thực phẩm bổ dưỡng cho 8,5 tỷ người vào năm 2030” – tuyên bố nêu rõ.

Trong bối cảnh đó, Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực kêu gọi cần phải có sự chuyển đổi căn bản các hệ thống nông sản để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời cần hành động khẩn cấp và dứt khoát và cộng đồng quốc tế cùng động chống nạn đói./.

 
Khánh Linh (Theo báo chí nước ngoài)
306 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 705
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 705
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87176501