Đây là nội dung báo cáo mới nhất được tổ chức phi chính phủ Liên minh Bảo vệ sức khỏe trong xung đột công bố ngày 2/3.
Theo báo cáo của tổ chức trên, khoảng 1.172 hành vi bạo lực và tấn công đã xảy ra nhằm vào các nhân viên y tế hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe trong năm 2020. Trong đó, hơn 1/3 các hành động bạo lực liên quan trực tiếp tới hoạt động chống dịch COVID-19.
Báo cáo dẫn chứng hàng loạt các vụ việc tấn công nhân viên y tế trên thế giới như vụ việc tại Mexico, một nữ nhân viên y tế đã bị một nhóm đối tượng cáo buộc làm lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 và tấn công khiến cô bị thương.
Tại Dakar, 3 nhân viên xã hội bị những cư dân địa phương ném đá phản đối không cho chôn một nạn nhân tử vong vì COVID-19 ở gần nhà của họ.
Theo báo cáo, khoảng 80% thủ phạm gây ra các vụ bạo lực là người dân nhưng cũng có những vụ việc do nhầm lẫn của nhà chức trách.
Ông Leonard Rubenstein, Chủ tịch, đồng thời là người sáng lập tổ chức Liên minh Bảo vệ sức khỏe trong xung đột, kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới cùng bảo vệ nhân viên y tế bao gồm cả việc ngăn chặn những thông tin sai lệch.
* Ngày 2/3, Tạp chí điện tử BMJ Global Health đưa ra kết quả báo cáo rằng chỉ có 4% số nghiên cứu khoa học về đại dịch COVID-19 được công bố có liên quan đến châu Phi, bất chấp thực tế gần 20% dân số thế giới sinh sống tại châu lục này.
Các nhà khoa học cho rằng mặc dù châu Phi ghi nhận gần 4 triệu ca mắc COVID-19, song rất ít nghiên cứu về châu Phi hoặc có tác giả đến từ “lục địa Đen”. Điều này phản ánh tình trạng thiên lệch trong nghiên cứu y tế và ban hành chính sách toàn cầu.
Trước thực trạng này, các nhà khoa học kêu gọi tiến hành thêm các nghiên cứu về châu Phi cũng như khuyến khích sự tham gia của các nhà khoa học châu Phi trong các nghiên cứu khoa học để khu vực này kịp thời ứng phó với đại dịch tại địa phương.
Nhóm tác giả hối thúc chính phủ các nước tăng cường gây quỹ tài trợ nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu liên quan đến các bệnh truyền nhiễm, đồng thời cho rằng các tạp chí khoa học đóng vai trò quan trọng giúp đảm bảo các nghiên cứu được phân bố đồng đều hơn trên toàn cầu.
Kết quả một nghiên cứu khác cũng củng cố kết luận trên, khi theo dõi nghiên cứu liên quan đến các chuyên gia hoặc các viện khoa học châu Phi từ tháng 11/2019-8/2020. Kết quả cho thấy các nhà khoa học châu Phi chỉ góp mặt trong 3% số nghiên cứu được công bố trên toàn cầu và gần 66% trong số đó đến từ 3 nước là Nam Phi, Ai Cập và Nigeria.
BT