Trong bối cảnh Vương quốc Anh dự kiến tổ chức tổng tuyển cử vào nửa cuối năm nay, giới chuyên gia an ninh mạng cảnh báo nước này có nguy cơ đối mặt với nạn tin giả, tin sai và nhiều cuộc tấn công mạng. Trong đó, Trí Tuệ Nhân Tạo (AI) được cho là gây ra rủi ro cao.
Giám đốc điều hành Công ty quản lý danh tính và quyền truy cập Okta, ông Todd McKinnon cảnh báo đa số các vụ tấn công mạng sẽ xảy ra trong thời gian trước khi bầu cử diễn ra, bởi phần lớn người dân Anh sẽ bỏ phiếu tại các điểm bỏ phiếu vào ngày bầu cử.
Giới chuyên gia an ninh mạng cho rằng các đối tượng xấu sẽ can thiệp vào cuộc bầu cử sắp tới bằng nhiều cách, đặc biệt là thông qua thông tin sai lệch dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn trong năm nay do việc sử dụng rộng rãi AI.
Các hình ảnh, âm thanh và video giả mạo, sai sự thật được tạo ra bằng cách dùng AI (hay còn gọi là deepfake) sẽ phổ biến hơn do kỹ thuật này dễ dàng sử dụng.
Theo ông McKinnon, các tội phạm mạng nhiều khả năng sẽ tiến hành các cuộc tấn công dựa trên danh tính do AI cung cấp như lừa đảo, tấn công bằng mã độc, xâm nhập vào chuỗi cung ứng để nhằm vào các chính trị gia, nhân viên vận động bầu cử và các tổ chức liên quan đến bầu cử.
Ông cho rằng nội dung do AI và robot mạng tạo ra nhằm phát tán tin sai, tin giả trong cuộc bầu cử năm nay sẽ ở quy mô lớn hơn so với các kỳ bầu cử trước đây.
Ông Adam Meyers, một chuyên gia về an ninh mạng tại công ty CrowdStrike, nhận định tin sai, tin giả do AI tạo ra gây rủi ro hàng đầu cho các cuộc bầu cử năm 2024. Hiện AI tạo sinh ngày càng được dùng nhiều vào cả mục đích tốt và xấu.
Điều đáng nói là AI đang tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm mạng khai thác thông tin người dùng trên mạng. Điều này vốn đang xảy ra dưới hình thức các email lừa đảo được soạn thảo bằng những công cụ AI dễ dàng truy cập như ChatGPT.
BoE cho biết dự kiến mức tăng trưởng của nền kinh tế Anh bằng 0 trong năm tới, trong khi các chuyên gia của Chính phủ và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế đều dự báo mức tăng trưởng là 0,7%.
Theo giới chuyên gia, tin tặc cũng đang tạo ra những hình thức tấn công tinh vi và cá nhân hóa hơn bằng cách đào tạo các mô hình AI dựa trên dữ liệu sẵn có của người dùng trên mạng xã hội.
Chẳng hạn, trên mạng xã hội X hồi tháng 10/2023, một đoạn âm thanh giả mạo do AI tạo ra về thủ lĩnh Công đảng đối lập Anh Keir Starmer khiển trách thậm tệ một thành viên của đảng này.
Theo tổ chức Full Fact, bài đăng này thu hút 1,5 triệu lượt xem. Đây chỉ là một trong nhiều deepfake mà giới chuyên gia an ninh lo ngại về những nguy cơ tương tự sắp tới khi nước Anh hướng tới cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay.
Cộng đồng an ninh mạng kêu gọi cần tăng cường cảnh giác trước nạn tin sai, tin giả do AI tạo ra, cũng như các nước cần tăng cường hợp tác để giảm rủi ro do tấn công mạng gây ra./.