Căng thẳng trong quan hệ Trung - Ấn đang hạ nhiệt 

(ĐCSVN) – Sau nhiều diễn biến căng thẳng, những hy vọng giải quyết hòa bình cuộc tranh chấp biên giới Trung - Ấn kéo dài gần nửa thế kỷ đang dần hé lộ. Được ví là “hai gã khổng lồ châu Á”, việc thiết lập bầu không khí yên ả trong quan hệ Trung - Ấn không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với khu vực mà còn tác động đến nhiều vấn đề lớn trên thế giới.
Căng thẳng trong quan hệ Trung - Ấn đang hạ nhiệt

Tại cuộc họp lần thứ 15 của Cơ chế làm việc tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới Ấn Độ - Trung Quốc (WMCC) ngày 24/6, đại diện hai bên đã thảo luận chi tiết và nhất trí các biện pháp hạ nhiệt tình hình ở khu vực biên giới chung, đặc biệt là ở khu vực Đông Ladakh.

Cuộc họp ngày 24/6 diễn ra theo hình thức trực tuyến và kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Cuộc họp gồm sự tham gia của phái đoàn hai nước do Vụ trưởng Vụ Đông Á thuộc Bộ ngoại giao Ấn Độ Naveen Srivastava và Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Liang dẫn đầu.

Tại cuộc họp, các đại biểu Trung Quốc và Ấn Độ nhất trí rằng, việc đi đến đồng thuận chung không những giúp bảo đảm hòa bình tại khu vực biên giới mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai láng giềng. Hai bên cũng lưu ý đến cuộc đàm phán thứ hai của chỉ huy cấp cao hôm 22/6 và nhất trí sẽ duy trì liên lạc cả ở cấp ngoại giao và quân sự, kể cả trong khuôn khổ WMCC, để giải quyết tình hình hiện tại một cách hòa bình. Nhắc lại nội dung cuộc trao đổi diễn ra vào tuần trước giữa Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, hai bên tái khẳng định sự đồng thuận chung về thực hiện các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng đã được các Chỉ huy cấp cao đạt được vào ngày 6/6 vừa qua về việc lui quân và hạ nhiệt căng thẳng. Đây được xem là tiền đề quan trọng để hai bên nhất trí duy trì liên hệ ở cấp độ ngoại giao và quân sự, nhằm giải quyết một cách hòa bình vấn đề đang gây căng thẳng hiện nay trong quan hệ Trung-Ấn.

Nhân sự kiện này, Ấn Độ nhấn mạnh hai bên cần nghiêm túc tôn trọng Ranh giới kiểm soát (LAC), trước những lo ngại về những diễn biến căng thẳng gần đây ở khu vực Đông Ladakh, gồm cả cuộc đối đầu bạo lực ở thung lũng Gahwan dẫn đến thương vong.

Về phía Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, trong cuộc họp diễn ra ngày 24/6, Bắc Kinh và New Delhi đã nhất trí tuân thủ “nghiêm túc” những đồng thuận đạt được giữa lãnh đạo hai bên, nhằm thắt chặt các biện pháp xây dựng lòng tin về quân sự, cùng bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực biên giới.

Trong cuộc hop báo ngày 24/6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên bày tỏ hy vọng rằng Ấn Độ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt những đồng thuận đã đạt được với Trung Quốc, cùng hợp tác với Trung Quốc và có những hành động thực tế nhằm khôi phục hòa bình, ổn định tại khu vực biên giới hai nước.

Ông Triệu Lập Kiên cho biết, theo tinh thần chung của cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng hai nước ngày 17/6, Trung Quốc và Ấn Độ nhất trí giải quyết phù hợp tình hình căng thẳng sau vụ đụng độ tại thung lũng Galwan; tuân thủ thỏa thuận đạt được trong khuôn khổ các cuộc đối thoại giữa chỉ huy cấp cao hai nước; hạ nhiệt tình hình trên bộ sớm nhất có thể; duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực biên giới, dựa trên các thỏa thuận song phương đã ký kết từ tước tới nay.

Trong một thông báo phát đi ngày 24/6, Trung Quốc khẳng định mối quan hệ láng giềng giữa nước này và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng với cả đôi bên. Việc duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực biên giới chung là mối quan tâm chung của cả hai nước, đòi hỏi những nỗ lực chung.

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ khẳng định nước này và Trung Quốc đã nhất trí về các biện pháp giúp duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực biên giới. Hai bên cũng đã tổ chức các cuộc hội đàm ngoại giao theo hình thức trực tuyến để tìm kiếm cách thức hạ nhiệt căng thẳng ở LAC dọc khu vực Đông Ladakh, đồng thời nhấn mạnh rằng cả Trung Quốc và Ấn Độ cần tuân thủ LAC một cách nghiêm túc.

Cuộc chiến biên giới năm 1962 giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã lùi xa từ vài thập kỷ, song mối quan hệ giữa hai nước láng giềng cũng không vì thế mà trở nên yên ả khi mà những cuộc đụng độ và những màn “khẩu chiến” vẫn tiếp diễn, thậm chí còn có xu hướng xảy ra thường xuyên hơn trong những năm trở lại đây.

Tháng 5/2020, căng thẳng biên giới giữa hai cường quốc hạt nhân có chung 3.500 km biên giới lại tái diễn sau một loạt cuộc đụng độ giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh gần hồ Pangong. Đây là cuộc đụng độ lớn đầu tiên dọc LAC kể từ cuộc đối đầu 73 ngày tại Doklam năm 2017. Cuối tháng trước, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã điều thêm 5.000 binh sĩ đến vùng Ladakh trên dãy Himalaya để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo LAC hiện được coi là biên giới với Trung Quốc.

Ngày 15/6, tình hình tại khu vực biên giới hai bờ Trung - Ấn đã trở nên vô cùng căng thẳng và “lần đầu tiên nhuốm màu chết chóc” sau vụ đụng độ làm 20 binh lính Ấn Độ tử vong ở thung lũng Galwan thuộc phía Tây Ladakh. Cuộc đụng độ được cho là đã gây thương vong cho lực lượng Trung Quốc, song con số cụ thể chưa được tiết lộ chính thức. Việc Ấn Độ bị tổn thất 20 binh sỹ trong cuộc giao tranh với Trung Quốc tại khu vực biên giới đã đẩy hai nước láng giềng vào trạng thái căng thẳng cả về ngoại giao và quân sự. Lĩnh vực kinh tế cũng có nguy cơ bị đe dọa khi giới chức Ấn Độ thông báo tạm dừng các thỏa thuận trị giá hơn 600 triệu USD với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Việc Trung Quốc và Ấn Độ liên tiếp phát đi những tín hiệu hàn gắn trong nhiều ngày qua đã thể hiện rõ quyết tâm “hạ nhiệt những cái đầu nóng của hai gã khổng lồ châu Á” để tránh bị đẩy vào một cuộc khủng hoảng toàn diện. Điều này không chỉ giúp bảo đảm ổn định trong khu vực, mà còn nhằm duy trì “tình láng giềng” Trung - Ấn vốn ngày càng mang tính ràng buộc bởi mối quan hệ kinh tế - thương mại chặt chẽ được thiết lập qua nhiều thế kỷ. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ chỉ sau Mỹ, trong khi Ấn Độ là nguồn cung quan trọng của các ngành công nghệ và kĩ thuật Trung Quốc./.

 
Thu Lan (Theo CNBC, republicworld, Xinhua)
329 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1096
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1096
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87162519