Trong khi tình hình lạm phát gia tăng và những căng thẳng trong vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà bán lẻ, những hành động quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine đã tạo ra thêm những biến số cho triển vọng kinh tế thế giới trong thời gian tới.
Một số nhà bán lẻ đã buộc phải tạm thời ngừng hoạt động ở Nga. Đây là tín hiệu cho thấy những công ty này hoặc đang đưa ra động thái nhằm lên án các hành động quân sự đặc biệt của Nga, hoặc vì họ không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh tại nước này do làn sóng trừng phạt từ phương Tây đã ảnh hưởng đến các dịch vụ hậu cần.
Một quan điểm thận trọng
Victoria’s Secret là một trong số đó. Nhà bán lẻ này đã cảnh báo rằng sự không chắc chắn do căng thẳng Nga-Ukraine tạo ra có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh trong quý đầu tiên của năm 2022 và có khả năng kéo dài lâu hơn.
Chuck Grom, chuyên gia phân tích của hãng nghiên cứu Gordon Haskett (Vương quốc Anh), cho biết mối quan tâm lớn nhất đối với nhiều nhà bán lẻ là cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu.
Chuyên gia này nói: “Cuộc khủng hoảng càng kéo dài, vấn đề sẽ càng lớn.” Nói cách khác, người tiêu dùng sẽ cần nhiều thời gian hơn để “hấp thụ” những gì đang diễn ra.
Các nhà bán lẻ hiện đang phải đánh giá nhu cầu tương lai trong thời điểm vẫn còn quá nhiều biến số, đồng thời cố gắng giữ cho các kệ hàng không bị trống rỗng mà không cần đặt hàng quá nhiều.
Họ cũng đang cố gắng thu hút người tiêu dùng quay trở lại cửa hàng sau khi số ca nhiễm COVID-19 giảm dần và khả năng miễn dịch tăng lên. Tuy nhiên, mọi thứ có thể trở nên phức tạp hơn so với thời điểm này một năm trước, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và quốc hội nước này tung ra gói kích thích tiêu dùng cho các hộ gia đình.
Nhà bán lẻ quần áo American Eagle Outfitters có trụ sở tại Pittsburgh (Mỹ) cho biết, họ coi căng thẳng giữa Nga và Ukraine là một biến số khi dự báo triển vọng kinh doanh trong năm.
Tuy nhiên, American Eagle Outfitters không đưa ra chi tiết cụ thể về mức độ ảnh hưởng tài chính mà những căng thẳng này có thể gây ra đối với nhu cầu tiêu dùng.
Hiện nay, American Eagle Outfitters không có bất kỳ cửa hàng truyền thống nào bên ngoài khu vực Bắc Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc), nhưng hãng này vẫn vận chuyển hàng hóa đến 81 quốc gia.
Giám đốc tài chính Michael Mathias của American Eagle Outfitters cho hay trong một hội nghị về thu nhập rằng hãng bán lẻ này nhận thấy có nhiều yếu tố đang xảy ra, trong đó có tình trạng lạm phát gia tăng, những gián đoạn liên tục trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Ngoài ra, có một thực tế là thời kỳ mà các khoản hỗ trợ được phát hành đến người tiêu dùng vào mùa Xuân năm ngoái đã qua đi.
Giám đốc Mathias nói: “Trong bối cảnh này, chúng tôi đang duy trì một quan điểm thận trọng.”
“Điểm uốn” về cuối năm?
American Eagle Outfitters cảnh báo rằng thu nhập của họ sẽ giảm trong nửa đầu năm nay so với mức của năm trước, phần lớn là do chi phí vận chuyển hàng hóa tăng cao. Nhà bán lẻ đến từ nước Mỹ dự kiến thu nhập sẽ dần hồi phục trong nửa cuối năm.
Hãng bán lẻ đồ lót Victoria’s Secret, vốn có ít sự hiện diện tại Nga, cũng đề cập đến tình hình căng thẳng đang diễn ra. Trong báo cáo kết quả tài chính quý 4 năm 2021 được công bố vào giữa tuần, họ cho biết lạm phát và "tình trạng bất ổn toàn cầu" sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh đầy thách thức trong những tháng tới.
[Hoạt động của các công ty nước ngoài tại Nga đối mặt với bài toán khó]
Victoria’s Secret đã đưa ra một dự báo triển vọng đáng thất vọng cho quý đầu tiên của năm những khẳng định quý thứ ba sẽ là một “điểm uốn,” mang lại kết quả tốt hơn.
Trong khi đó, nhận định về những ảnh hưởng của tình hình tại Ukraine đối với hoạt động kinh doanh, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng bán lẻ bách hóa của Mỹ Kohl Michelle Gass, cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị tâm lý cho một môi trường nhiều biến động. Chúng tôi chắc chắn đã dự tính trước điều đó khi bước vào năm nay.” Nhà lãnh đạo này khẳng định Kohl sẽ theo dõi sát sao tình hình và lên phương án ứng phó.
Tất cả những điều này có thể sẽ “đè nặng” lên người tiêu dùng Mỹ. Các công ty, từ nhà sản xuất thực phẩm cho đến nhà sản xuất ôtô, có thể sẽ phải chịu áp lực lớn hơn từ việc giá dầu tăng vọt và các “cơn đau đầu” về chuỗi cung ứng đang diễn ra, bởi thông thường áp lực giá tăng cao thường được chuyển sang cho khách hàng.
David French, Phó Chủ tịch cấp cao về quan hệ chính phủ tại Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF), tập đoàn thương mại bán lẻ hàng đầu nước Mỹ, cho biết: “Các nhà bán lẻ Mỹ đã nhận thấy những tác động của việc chi phí năng lượng cao do sự gián đoạn của thị trường năng lượng. Bên cạnh đó, biến động giá thực phẩm cũng là yếu tố cần lưu tâm khi xét đến tầm quan trọng của Ukraine và Nga trong lĩnh vực này."
Ngày 5/3, hai hãng thời trang lớn Puma (Đức) và Prada (Italy) thông báo ngừng hoạt động bán lẻ tại Nga, liên quan tình hình ở Ukraine. (Ảnh: TTXVN)
Ông David French cho rằng nhiều nhà bán lẻ có trụ sở tại Mỹ sẽ chỉ chịu tác động khiêm tốn từ cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Tuy nhiên, giữa bối cảnh Ukraine là trung tâm chính cung cấp các dịch vụ thuê ngoài liên quan đến công nghệ thông tin, một cuộc khủng hoảng kéo dài có thể tạo ra những vấn đề lớn.
Mặc dù vậy, Phó Chủ tịch French vẫn lạc quan cho rằng trong thời kỳ đại dịch, mặc dù niềm tin tiêu dùng giảm song vẫn có thời điểm người tiêu dùng thực hiện mua sắm như thể niềm tin tiêu dùng đang tăng lên.
Theo NRF, doanh số bán lẻ trong các dịp lễ của năm 2021 đã tăng kỷ lục 14,1% so với năm trước đó, bất chấp tình hình lạm phát tăng cao và biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đang lan rộng.
Nhà phân tích Simeon Siegel thuộc công ty dịch vụ tài chính BMO Capital Markets cũng đồng ý với quan điểm này. Ông nói: “Đại dịch COVID-19 đã chứng minh rằng con người thực sự giỏi trong việc không để rủi ro làm phiền đến họ cho đến khi nó thật sự xảy ra.""
Doanh nghiệp nói gì?
Bên cạnh giới chuyên gia, nhiều công ty cũng đã nhanh chóng đưa ra lập trường của họ về những căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Nhà bán lẻ đồ nội thất Ikea cho biết, họ sẽ đóng cửa tất cả các cửa hàng của mình ở Nga, ngừng sản xuất ở nước này và tạm dừng tất cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu đến và đi từ Nga và Belarus.
Ikea cho biết trong một tuyên bố: “Những căng thẳng có tác động lớn đến con người, dẫn đến gián đoạn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng và điều kiện thương mại. Đó là lý do tại sao công ty đã quyết định tạm dừng hoạt động của Ikea tại Nga.” Nike, nhà bán lẻ thời trang H&M và nhà sản xuất áo khoác Canada Goose cũng đều cho biết họ sẽ tạm ngừng hoạt động bán hàng ở Nga.
Một tuyên bố trên trang web của Nike ở Nga cho hay “gã khổng lồ” sản xuất đồ thể thao hiện không thể đảm bảo việc giao sản phẩm ở Nga. Một phát ngôn viên của Nike nói với CNBC rằng với tình hình phát triển nhanh chóng, cùng những thách thức hoạt động ngày càng gia tăng, Nike quyết định tạm dừng hoạt động kinh doanh trong khu vực.
Người phát ngôn này cho biết: “Chúng tôi vô cùng lo lắng trước cuộc khủng hoảng tàn khốc ở Ukraine và chúng tôi cầu nguyện cho tất cả những người bị ảnh hưởng, bao gồm cả nhân viên, đối tác và gia đình của họ trong khu vực.”
Các nhà bán lẻ thời trang trực tuyến của Anh là Boohoo và Asos cũng đã đình chỉ bán hàng tại Nga. Nhà bán lẻ hàng giảm giá TJX cũng cho biết rằng họ sẽ bán 25% cổ phần của mình tại nhà bán lẻ hàng may mặc giá rẻ của Nga là Familia, hiện có hơn 400 cửa hàng tại Nga./.
Phương Nga (TTXVN/Vietnam+)