Căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Iran 

(ĐCSVN) – Sau những căng thẳng tột độ liên quan tới vụ Mỹ sát hại Thiếu Tướng Qasem Soleimani của Iran vào đầu năm 2020, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran nay lại được “tiếp thêm lửa” bởi màn khẩu chiến không khoan nhượng liên quan tới các hoạt động hàng hải trên vịnh Ba Tư.
Căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Iran

Ngày 23/4, Thiếu Tướng Hossein Salami – Tổng tư lệnh lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cho biết, ông đã chỉ thị các lực lượng Iran nhắm mục tiêu vào các tàu chiến của Mỹ nếu có hành vi đe dọa tới an toàn của các tàu quân sự và phi quân sự của Iran hoạt động trên vùng Vịnh.

Trả lời phỏng vấn truyền thông nhà nước Iran, ông Salami nói: “Chúng tôi đã tuyên bố trước họ về quyết tâm và sự nghiêm túc của chúng tôi trong bảo vệ an ninh đất nước, các đường biên giới trên biển và lợi ích hàng hải. Bất kỳ hành động nào nhằm chống lại chúng tôi sẽ vấp phải sự đáp trả hiệu quả, nhanh chóng và quyết đoán”.

Đây là phản ứng mới nhất của Iran sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump, ngày 22/4 đã thông báo trên Twitter về việc ông đã chỉ thị cho Hải quân Mỹ tấn công và tiêu diệt bất kỳ và tất cả các chiến hạm của Iran có hành vi “quấy rối” các tàu Mỹ. Tuyên bố này được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra vài giờ sau khi IRGC thông báo đã phóng vệ tinh quân sự đầu tiên của nước này lên quỹ đạo. 

Về phía các quan chức cấp cao khác của Lầu Năm góc cũng xem dòng Tweet này của ông D.Trump là một mệnh lệnh hợp pháp. “Tổng thống đã đưa ra một lời cảnh báo quan trọng tới Iran. Những gì ông nhấn mạnh là tất cả các con tàu của chúng ta đều có quyền tự vệ và mọi người cần phải thận trọng hành động của mình để hiểu về quyền tự vệ cố hữu” - Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ David Norquist nói.

Dòng Tweet hôm 22/4 là cảnh báo mới nhất mà Tổng thống D.Trump đưa ra đối với Iran trong bối cảnh hai nước đang phải vật lộn với đại dịch COVID-19, đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ làm xấu đi mối quan hệ giữa Washington và Tehran.

Ngày 23/4, Bộ Ngoại giao Iran đã triệu Đại sứ Thụy Sĩ tại Tehran tới trụ sở bộ này để phản đối những căng thẳng gần đây ở vùng Vịnh. Thụy Sĩ hiện là nước đại diện cho các quyền lợi của Mỹ tại Iran. Đại sứ Thụy Sĩ đã nhận được thông điệp để chuyển cho phía Mỹ, trong đó nêu rõ Iran sẽ kiên quyết bảo vệ những quyền hàng hải của quốc gia Hồi giáo ở vùng Vịnh và đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào. 

Trong khi đó, phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc cũng vừa tái khẳng định lập trường cứng rắn nhằm bảo vệ chủ quyền trước mọi hành động khiêu khích. Tuyên bố của phát ngôn viên phái đoàn Iran tại Liên hợp quốc Alireza Miryousefi nêu rõ, nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ không đầu hàng trước những sự đe dọa và cũng sẽ không tỏ ra do dự trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Mối quan hệ căng thẳng tột độ giữa Mỹ và Iran sau vụ Mỹ sát hại Chỉ huy lực lượng đặc nhiệm thuộc IRGC – Thiếu tướng Qasem Soleimani hồi đầu tháng 1/2020 vẫn chưa được xoa dịu thì nay lại đón nhận những dấu hiệu tăng nhiệt mới. Tuần trước, Hải quân Mỹ cáo buộc 11 tàu quân sự của IRGC đã tiến hành "những hành động nguy hiểm và khiêu khích" khi tiếp cận gần 6 tàu Hải quân Mỹ ở vùng Vịnh.

Phản pháo lập luận trên của Mỹ, IRGC cáo buộc trong những tuần gần đây, lực lượng Hải quân Mỹ đã hành xử theo cách "không chuyên nghiệp" tại vùng Vịnh, đe dọa nền hòa bình khu vực và làm gia tăng các nguy cơ mới. Về phía Iran đã nhiều lần tỏ rõ lập trường xem chủ quyền dân tộc là một vấn đề thuộc về “lằn ranh đỏ". Nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ không thỏa hiệp về an ninh và lợi ích của mình, dù với bất kỳ giá nào. Iran sẽ không do dự đáp trả tất cả các hành vi khiêu khích.

Vụ phóng vệ tinh quân sự Nour-1 do Iran thực hiện hôm 22/4/2020.

(Ảnh: Fars news agency). 

Trong thông điệp phát đi tối 23/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cũng bác bỏ cáo buộc do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng vụ phóng vệ tinh của IRGC đã vi phạm nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Mousavi nêu rõ, những lời cáo buộc tương tự sẽ không bao giờ khiến Iran tỏ ra nao núng trước quyết tâm nhằm đạt được những tiến bộ tiếp theo trong tương lai.

Những gì diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay cho thấy, tình hình tại “chảo lửa” Trung Đông vẫn đang diễn biến hết sức nóng bỏng và phức tạp. Quy mô và nguy cơ bùng phát xung đột sẽ phụ thuộc vào những toan tính và phạm vi của những đòn “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Iran. Một tính toán sai lầm hay một “nước cờ cực đoan” của bất cứ bên nào cũng có nguy cơ đẩy khu vực vào một tình thế bất ổn mới. Đây là điều vốn không cần thiết trong bối cảnh Trung Đông vốn đang đắm chìm trong quá nhiều cuộc xung đột và bất ổn, còn cả thế giới thì đang điêu đứng vì COVID-19./.

 
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)
228 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 985
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 985
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87213262