Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Canada Donald Bobiash khẳng định quan hệ giáo dục giữa hai nước phát triển rất nhanh trong những năm gần đây với số lượng sinh viên Việt Nam sang Canada du học ngày càng đông, hiện đã lên tới hơn 14.000 em và vẫn đang tiếp tục tăng nhanh.
Hợp tác thương mại hai chiều cũng có những tín hiệu tích cực và còn rất nhiều dư địa phát triển, nhất là khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được đưa vào thực hiện.
Ông Bobiash tin tưởng, trong tương lai, Canada và Việt Nam sẽ trở thành những thị trường quan trọng của nhau, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông minh, hàng điện tử.
“Canada có các sản phẩm Việt Nam cần. Việt Nam cũng có các sản phẩm Canada muốn mua. Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất, vì vậy Canada rất muốn đầu tư và trao đổi với Việt Nam," ông Bobiash trao đổi riêng với phóng viên TTXVN bên lề buổi tọa đàm.
Cũng theo ông Bobiash, việc sau này các nước đưa vào thực hiện CPTPP cũng sẽ giúp làm giảm các rào cản và tăng cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp hai nước trên cơ sở tuân thủ hệ thống thương mại dựa trên luật định.
[Thủ tướng Justin Trudeau: Việt Nam là đối tác quan trọng của Canada]
Cũng tại buổi tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Đức Hòa cho biết quan hệ hai nước đang trên đà phát triển rất tốt đẹp với nhiều tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại một số thách thức cần giải quyết như kết nối kinh doanh còn ít và hai bên chưa thực sự hiểu nhiều về nhau. Ông tin tưởng thông qua các hoạt động tiếp xúc song phương và các buổi tọa đàm chính sách, hai bên sẽ dần mở rộng các cơ hội hợp tác và đầu tư thực chất trong tương lai.
Trong phần thảo luận mở ngay sau đó, rất nhiều ý kiến trao đổi về những thuận lợi, khó khăn cũng như thách thức trong thúc đẩy hợp tác giữa Canada và Việt Nam. Hầu hết các ý kiến đánh giá cao cơ hội và tiềm năng hợp tác giáo dục, cho rằng đây là lĩnh vực hợp tác quan trọng có thể góp phần tạo thuận lợi cho việc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác.
Thông qua hợp tác giáo dục, hai bên có thể tăng cường kết nối nhân dân, giao lưu văn hóa và hiểu hơn về các quy định, chính sách của nhau để tạo nền tảng phát triển quan hệ thực chất. Trong thời gian tới, phía Canada ưu tiên đẩy mạnh đa dạng hóa các chương trình hợp tác giáo dục với Việt Nam như tăng cường trao đổi sinh viên, hợp tác giữa các trường và học viện, đưa chương trình giáo dục của Canada về Việt Nam, và hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển.
Tọa đàm là sự kiện mở màn cho Tuần Việt Nam tại Canada (từ 11-17/9) nhân kỷ niệm 73 năm Quốc khánh Việt Nam (1945-2018) và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương (1973-2018). Đây không chỉ là sự kiện mở màn quan trọng cho Tuần Văn hóa Việt Nam tại Canada, mà còn là điểm nhấn cho các hoạt động tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Việc tăng cường hợp tác không chỉ làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác Toàn diện đã được lãnh đạo hai nước thúc đẩy trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Justin Trudeau tháng 11 năm ngoái, mà còn tạo dựng nền tảng vững chắc cho việc đẩy mạnh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà cả Canada và Việt Nam đều là những thành viên tích cực./.