Canada và các nước Nam Mỹ hy vọng vào tương lai quan hệ với Mỹ 

Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne khẳng định đây là tin tốt lành đối với Canada. Ông đồng thời bày tỏ hy vọng quá trình chuyển giao quyền lực ở “xứ cờ hoa” sẽ diễn ra suôn sẻ.
Canada và các nước Nam Mỹ hy vọng vào tương lai quan hệ với Mỹ

Ngày 8/11, sau khi các hãng truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin về chiến thắng của ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống, Ngoại trưởng Canada François-Philippe Champagne khẳng định đây là tin tốt lành đối với Canada. Ông đồng thời bày tỏ hy vọng quá trình chuyển giao quyền lực ở “xứ cờ hoa” sẽ diễn ra suôn sẻ.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trả lời phỏng vấn trên CTV, Ngoại trưởng Champagne dự báo Canada sẽ có thể “làm việc rất tốt” với chính quyền của ông Biden. Ông Champagne cho rằng hai nước có thể hợp tác trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Ông cũng cho biết Canada sẽ đề nghị ông Biden thay đổi quan điểm về dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL - vận chuyển dầu mỏ của tỉnh bang Alberta tới các cơ sở lọc dầu ở khu vực Midwest (Mỹ), đồng thời khẳng định đây là ưu tiên hàng đầu của Ottawa khi tiếp cận chính quyền Mỹ trong tương lai. 

[Bầu cử Mỹ 2020: Các nước Trung, Đông Âu kỳ vọng về một xung lực mới]

Trước đó, Thủ tướng Canada Justin Trudeau là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới viết tweet chúc mừng ông Biden. Chiến thắng của ông Biden được giới quan sát cho là cơ hội để Canada “cài đặt” lại mối quan hệ với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các nhà xuất khẩu Canada bày tỏ hy vọng mối quan hệ thương mại Canada-Mỹ sẽ quay trở lại con đường hợp tác và ổn định dưới thời ông Biden. Tổng thống Trump từng đe dọa loại bỏ thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ - một thỏa thuận có tính sống còn đối với kinh tế Canada.

Tại khu vực Nam Mỹ, Venezuela hy vọng nối lại đối thoại với chính quyền tương lai của Mỹ, trong khi Bolivia cũng hy vọng cải thiện quan hệ với Washington. Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ,  ngày 8/11, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro khẳng định chính phủ nước này sẽ nỗ lực nối lại cuộc đối thoại “nghiêm túc, chân thành” với chính quyền của ông Biden. Nhà lãnh đạo Venezuela đồng thời hy vọng chính quyền tương lai của Mỹ sẽ chấm dứt “chủ nghĩa can thiệp” tại Mỹ Latinh. 

Trước đó, tháng 1/2019, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào đã công nhận thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido là tổng thống lâm thời của nước Nam Mỹ sau khi cho rằng cuộc bầu cử hồi tháng 5/2018 tại Venezuela là gian lận. Washington cũng áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt để gây sức ép buộc Tổng thống Maduro phải rời bỏ quyền lực, bao gồm cả lệnh cấm vận dầu mỏ có hiệu lực từ tháng 4/2019 gây ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại dầu mỏ và nhập khẩu xăng vào quốc gia Nam Mỹ vốn đang đối đầu với suy thoái kinh tế kéo dài và tình trạng siêu lạm phát.

Cùng ngày 8/11, Tổng thống đắc cử Bolivia Luis Arce bày tỏ tin tưởng mối quan hệ giữa nước này và Mỹ sẽ được cải thiện sau chiến thắng của ông Biden. Trên trang mạng Twitter, ông Arce cho rằng, với chính quyền mới của Mỹ, mối quan hệ Mỹ-Bolivia được dự đoán sẽ tốt hơn và đem đến lợi ích cho nhân dân hai nước. 

Ông Arce đưa ra tuyên bố trên chỉ vài giờ trước khi chính thức tuyên thệ nhậm chức tổng thống Bolivia nhiệm kỳ 2020-2025, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 18/10 vừa qua.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Bolivia đã trở nên căng thẳng từ năm 2008 dưới thời cựu Tổng thống Evo Morales, với việc trục xuất Đại sứ Mỹ Philip Goldberg do can thiệp công việc nội bộ.

Tuy nhiên, chính quyền lâm thời của bà Jeanine Anez đã nối lại và thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước và bổ nhiệm ông Walter Oscar Serrate Cuellar là đại sứ đầu tiên của Bolivia tại Mỹ sau 11 năm./.

Phan Nguyễn Thùy An (TTXVN/Vietnam+)

 

887 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1278
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1278
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87159186