Chính phủ Canada cam kết chấm dứt tất cả các khoản tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài vào năm 2022.
Quyết định trên dự kiến được công bố ngày 4/11 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) đang diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh.
Quyết đinh này là nỗ lực mới nhất của Ottawa nhằm cải thiện hình ảnh Canada vốn từ lâu được xem là một nước ủng hộ mạnh mẽ ngành công nghiệp dầu khí.
Cam kết này sẽ gây áp lực lớn lên Cơ quan phát triển xuất khẩu Canada (EDC) - nơi cung cấp các khoản cho vay, bảo hiểm và các hình thức hỗ trợ tài chính khác cho các công ty dầu khí kinh doanh ở nước ngoài.
Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Jonathan Wilkinson ước tính rằng nguồn tài trợ của Canada cho các dự án dầu mỏ và khí đốt ở nước ngoài là “khoảng 1 tỷ CAD” (806 triệu USD) hằng năm. Tuy nhiên, các nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường khẳng định con số này cao hơn.
[Dự báo phát thải CO2 toàn cầu năm 2021 tăng lên gần mức cao kỷ lục]
Trước đó, chính phủ của Thủ tướng Trudeau đã phát đi tín hiệu về ý định chấm dứt hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài thông qua các thỏa thuận với Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), nhưng chưa công bố mốc thời gian cụ thể.
Cách đây vài ngày, thông báo của Thủ tướng Trudeau ở COP26 về việc Ottawa đang khởi động quy trình áp đặt giới hạn khí thải đối với hoạt động sản xuất dầu khí trong nước, đã vấp phải sự chỉ trích của Thủ hiến tỉnh Alberta, ông Jason Kenney.
Khí đốt tự nhiên và dầu mỏ là những sản phẩm xuất khẩu lớn nhất của Canada và là trụ cột mang tính nền móng của nền kinh tế quốc gia, hỗ trợ khoảng 500.000 việc làm và chiếm khoảng 30 tỷ CAD đầu tư kinh tế hàng năm.
Tại COP 26, Thủ tướng Trudeau đã khẳng định quyết tâm sẵn sàng hạn chế sức tăng trưởng của một trong những ngành công nghiệp lớn nhất đất nước để giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 1,5 độ C.
Trong một diễn biến có liên quan, theo thông báo của giới chức Anh, 190 quốc gia, trong đó có Canada đã nhất trí loại bỏ dần điện than và chấm dứt hỗ trợ cho các nhà máy điện than mới trên thế giới.
Các nền kinh tế lớn dự kiến sẽ cam kết loại bỏ dần điện than vào những năm 2030, trong khi đối với các quốc gia đang phát triển, mốc này sẽ kéo dài đến những năm 2040./.
Hương Giang (TTXVN/Vietnam+