Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tô Hoài Nam và chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã giải đáp nhiều thắc mắc của độc giả xung quanh nội dung Tọa đàm và nhất trí cao cần phải phát huy tính khả thi khi Luật đi vào thực tiễn.

Các vị khách mời tham gia tọa đàm (Ảnh: HNV)

Theo Ban tổ chức Tọa đàm, mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động hiệu quả đã được Chính phủ đặt ra nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu chỉ đơn thuần chạy theo số lượng thì mục tiêu nói trên là khả thi, tuy nhiên điều quan trọng là tỉ lệ DN hoạt động ổn định sau thành lập. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2017, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 4.685 doanh nghiệp, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 19,5%). Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 5 tháng đầu năm là 32.148 doanh nghiệp, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2016. Điều này đặt ra nghi ngại về việc tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa có lẽ chưa như kỳ vọng? Trước bối cảnh đó, khối DN nhỏ và vừa rất mong đợi những chính sách mới sẽ tác động, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ, trong đó đáng chú ý là Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội  XIV vào ngày 12/6 tới đây.

Như khẳng định của Thứ trưởng Đặng Huy Đông, việc xây dựng Luật đã đáp ứng hai yếu tố, đó là: đảm bảo luật khung, luật ống đồng thời đảm bảo tính lâu dài, ổn định của Luật, xem xét tối đa và cụ thế hóa các quy định, tính toán tới tính khả thi của Luật. Với Luật này, cộng đồng DN sẽ được hưởng lợi ở hai khía cạnh, cả các dịch vụ cơ bản cho tất cả DN và hỗ trợ cụ thể, trọng tâm trọng điểm đảm bảo phát triển theo chủ trương của từng thời kỳ có tính chất đặc thù cho DN nhỏ và vừa.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bổ sung thêm, khi triển khai Luật này, phải tính tới các sự hỗ trợ đặc thù cụ thể đồng thời cũng phải cân đối, xem xét trong mối tương quan với hệ thống luật phát hiện hành: kế toán, kiểm toán, đầu tư… “Hiện nay, Luật còn đang chờ thông qua, do đó, mong muốn các đơn vị liên quan cố gắng hoàn thiện để đảm bảo tính khả thi của Luật trong cuộc sống” – ông Phúc nhấn mạnh.

Chỉ ra 6 tồn tại dai dẳng đối với cộng đồng DN, nhất là với DN nhỏ và vừa hiện nay, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho rằng, cộng đồng DN kỳ vọng khi Luật được ban hành sẽ được tổ chức triển khai làm sao để hỗ trợ nhanh và hiệu quả vì việc triển khai chậm trễ cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tính ưu việt cũng như mục tiêu mà chính sách đặt ra. Thêm nữa, với sự thực thi Luật này, sẽ thu hút một nguồn lực hỗ trợ lớn từ xã hội ngoài nguồn ngân sách nhà nước. Ngoài ra, sẽ có tác dụng thúc đẩy DN nhỏ và vừa liên kết rõ ràng, cụ thể cũng như góp phần gia tăng cơ học (có thể tăng gấp đôi số lượng DN nhỏ và vừa hiện nay, từ 48.000 DN lên tới 96.000 DN.

Phân tích thêm về quan điểm nhìn nhận DN vừa và nhỏ chiếm 97% trong tổng số DN hiện nay, nếu Luật hỗ trợ DN vừa và nhỏ ban hành thì hỗ trợ bao nhiêu cho đủ, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định: việc triển khai Luật không có nghĩa là hỗ trợ một số tiền cụ thể cho doanh nghiệp, hiểu như vậy là chưa đúng. Sự hỗ trợ ở đây bao hàm ở phần chính sách, ở định hướng thông tin, quy hoạch thị trường… và khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng dành các ưu đãi nhiều hơn cho nhóm đối tượng khách hàng là DN vừa và nhỏ. “Tránh thổi phồng vấn đề, hiều không đúng khi đề cập tới Luật và tác động của Luật, đặc biệt cần nhận thức đúng đắn và đầy đủ trong thực tế về tỷ lệ DN vừa và nhỏ trong nền kinh tế. Đơn cử như Nhật Bản, số lượng DN vừa và nhỏ cũng chiếm tới 99,7%. DN vừa và nhỏ còn là lực lượng tạo ra “công ăn việc làm” cho xã hội, giữ sự ổn định cho xã hội. Hơn nữa, các số liệu thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm DN vừa và nhỏ cũng như các đơn vị nhỏ, lẻ trong các ngân hàng: Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển nông thôn cũng ở mức thấp 1,5-2%...” – Thứ trưởng Đông chia sẻ.

Các khách mời đều thống nhất rằng, việc Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ đi vào thực hiện sẽ tác động tới cả DN và ngân hàng, không chí có DN mà cả ngân hàng cũng phải hoàn thiện vươn lên, đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng như hiện nay. Cụ thể, DN thì phải có hồ sơ vay vốn chuẩn chỉnh, đảm bảo nguyên tắc, đáp ứng chuẩn mực quy định còn Ngân hàng thì triển khai nhiều ưu đãi, hướng tới các đối tượng nhỏ nhưng chuyên nghiệp, thu hồi vốn nhanh./.

HA.NV