|
Đội tàu khai thác cát của Công ty Duy Tân phải tạm dừng công việc do người dân phát hiện có nhiều sai phạm. (Ảnh chụp ngày 19/7/2017)
|
Theo phản ánh của người dân, từ ngày 1-13/7/2017, nhiều tàu thuyền khai thác cát với công suất lớn của Công ty TNHH Phát triển khoáng sản Duy Tân (Công ty Duy Tân) liên tục hoạt động cả ngày lẫn đêm trên sông Thạch Hãn đoạn qua địa bàn thị trấn. Vị trí của các tàu khai thác cát thường tập trung vào khu vực cồn Long Hà bởi ở đây có khối lượng cát vàng lớn, giá trị kinh tế cao. “Thời gian qua, hệ thống đê kè dọc bờ sông bảo vệ khu dân cư đã có nhiều chỗ bị sụt lún, rạn nứt, nay thêm đội tàu của Công ty Duy Tân về hút cát cách bờ chưa đầy 100 mét nên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao, làm ảnh hưởng đến cuộc sống lâu dài của người dân”, ông Lê Văn L. (khu phố 2, thị trấn Cửa Việt) bày tỏ lo ngại.
Không chỉ nhiều nhà dân ở sát bờ sông mà ngay cả các hộ ở cách xa bờ hàng trăm mét cũng luôn nơm nớp lo sợ khi mùa mưa lũ sắp đến. Theo phản ánh của người dân, việc hút cát bừa bãi sẽ làm thay đổi luồng lạch, tác động vào dòng chảy tự nhiên của sông và sẽ gây ra hiểm họa khôn lường. Phát hiện việc khai thác cát diễn ra bất thường và kéo dài, người dân lo sợ sạt lở đất ven bờ nên đã huy động người và tàu thuyền đánh cá ra ngăn chặn, xua đuổi. Mặc dù bị ngăn cản, phản đối gay gắt nhưng nhiều tàu vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí hút cát theo kiểu “nhảy cóc” vào ban đêm và tiến sát cách bờ sông nơi có dân cư sinh sống chỉ hơn 50 mét.
Trong quá trình hút cát, tiếng động cơ từ đội tàu phát ra đinh tai nhức óc suốt ngày đêm khiến người dân rất bức xúc. Việc khai thác cát cũng đã làm môi trường nước bị xáo trộn, đục ngầu, nhiều nơi chuyển sang màu đen do tàu xả bùn trở lại xuống sông làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi cá lồng và mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá gần bờ của nhiều hộ dân. Thời gian qua, ngoài việc huy động nhân lực, tàu thuyền đánh cá có công suất lớn lập thành đội ra “giám sát”, ngăn chặn, yêu cầu phía Công ty Duy Tân dừng khai thác cát, người dân sở tại đã báo cáo vụ việc lên chính quyền thị trấn Cửa Việt cùng các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ngày 18/2/2016, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 331/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình: Nạo vét khu neo đậu tránh trú bão Bắc Cửa Việt, luồng dẫn vào khu neo đậu tránh trú bão (vị trí bờ Nam và bờ Bắc) thuộc huyện Gio Linh và Triệu Phong. Dự án thuộc nhóm B; loại công trình thủy sản thuộc công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ); chủ đầu tư là Công ty Duy Tân; tổng mức đầu tư xây dựng công trình 75,251 tỷ đồng.
Theo đó, chủ đầu tư tự huy động vốn và tận thu sản phẩm, lấy thu bù chi, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Địa điểm xây dựng dự án thuộc huyện Gio Linh, huyện Triệu Phong, thời gian thi công trong vòng 3 năm tính từ 2016 - 2018. Mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư xây dựng là nạo vét luồng dẫn tàu thuyền từ khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt đến sông chính; nạo vét luồng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu tránh trú bão Bắc Cửa Việt (từ Cầu Cửa Việt đến khu neo đậu Bắc Cửa Việt), đảm bảo cho tàu thuyền đánh bắt loại 350 CV vào ra các khu neo đậu an toàn. Đồng thời, nạo vét khu neo đậu Bắc Cửa Việt để tạo điều kiện sau này xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Cửa Việt ở bờ Bắc.
Quy mô công trình cho thấy dự án thực hiện nạo vét, khơi thông luồng lạch khu vực Cửa Việt, tận thu sản phẩm nạo vét để xuất khẩu với tổng khối lượng nạo vét là 795.267 m3 , bao gồm 3 hạng mục chính: Nạo vét luồng dẫn tàu thuyền từ khu neo đậu tránh trú bão Nam Cửa Việt đến sông chính; nạo vét luồng dẫn tàu thuyền vào khu neo đậu tránh trú bão Bắc Cửa Việt (từ Cầu Cửa Việt đến khu neo đậu Bắc Cửa Việt); nạo vét khu neo đậu tránh trú bão Bắc Cửa Việt với các quy định cụ thể về chiều dài, bề rộng luồng, cao độ, hệ số mái, khối lượng, diện tích nạo vét… Công suất nạo vét dự kiến 378.000m3 /năm. Trình tự nạo vét từ ngoài cửa biển tiến dần vào trong sông; phần nạo vét trong luồng: các thiết bị được tập trung nạo vét cuốn chiếu hoàn chỉnh 1/2 tuyến luồng,1/2 tuyến luồng còn lại dành cho các phương tiện đường thủy lưu thông.
Tại Điều 3, Quyết định 331 giao Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông- Vận tải, Sở Xây dựng và UBND các huyện Gio Linh, Triệu Phong tổ chức thực hiện công tác quản lý, giám sát trong quá trình thực hiện dự án để phát hiện kịp thời các vấn đề bất cập. Từ đó, đề xuất UBND tỉnh có phương án xử lý khi xảy ra sự cố có tác động xấu đến môi trường, xã hội. Trước đó, vào ngày 3/2/2016, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 277/ QĐ-UBND về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “Nạo vét khu neo đậu tránh trú bão Bắc Cửa Việt, luồng dẫn vào khu neo đậu tránh trú bão (vị trí bờ Nam và bờ Bắc) và luồng đường thủy nội địa từ km 4+000 đến km 6+000 sông Thạch Hãn thuộc huyện Gio Linh và Triệu Phong.
Trong Quyết định 277 nêu rõ yêu cầu bảo vệ môi trường đối với dự án, cụ thể: Phải đảm bảo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quản lý và xử lý bụi, khí thải, kiểm soát tiếng ồn, độ rung trong quá trình chuẩn bị mặt bằng, thi công. Phải thu gom, lưu trữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; quản lý chất thải nguy hại theo Nghị định số 38/2015/NĐ- CP của Chính phủ. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, khắc phục sự cố sạt lở bờ sông, dầu tràn, an toàn giao thông và các quy chuẩn liên quan đến nạo vét luồng lạch, xuất khẩu cát nhiễm mặn.
Trở lại vụ việc người dân phản ánh và đối chiếu với trình tự nạo vét được nêu rõ trong Quyết định 331, cho thấy Công ty Duy Tân đã vi phạm nghiêm trọng quy định khi nạo vét cát theo kiểu “nhảy cóc”, chọn những nơi có nhiều cát, giá trị kinh tế cao để nạo vét mà không tuân thủ nạo vét theo luồng lạch, trình tự từ ngoài cửa biển tiến dần vào trong sông; không tập trung nạo vét cuốn chiếu hoàn chỉnh 1/2 tuyến luồng, 1/2 tuyến luồng còn lại dành cho các phương tiện đường thủy lưu thông.
Việc tàu khai thác cát vào ban đêm, tạo ra tiếng ồn, đổ bùn trở lại sông không đúng quy định là vi phạm những yêu cầu đặt ra cho công ty được nêu rõ trong Quyết định 277 của UBND tỉnh và vi phạm Điều 22 của Thông tư 69/2015/ TT-BGTVT của Bộ Giao thông- Vận tải, đó là: “Phương tiện tham gia vận chuyển đổ bùn, đất, cát trong thi công nạo vét, duy luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa phải lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét đảm bảo việc giám sát đổ bùn đất nạo vét chặt chẽ, đúng vị trí được chấp thuận”. Trong quá trình khai thác cát, phía Công ty Duy Tân nhiều lần không cắm phao mốc giới, cho tàu tiến khá sát bờ sông đã gây nguy cơ mất an toàn giao thông và tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bờ sông.
Từ những sai phạm trên cộng thêm việc nhân dân ở đây không ai biết việc khai thác cát của công ty Duy Tân có được cấp phép hay không? Ai cấp phép và khai thác nhằm mục đích gì? Cho nên họ quyết định ngăn chặn việc khai thác cát. Cũng xuất phát từ đó, trên mạng xã hội đã có đăng hình ảnh, video về vụ việc khai thác cát này, gây hoang mang dự luận, tạo ra nhiều cách hiểu sai lệch. Qua vụ việc cho thấy, nguyên nhân dẫn đến người dân phản ứng như trên trước tiên là việc minh bạch thông tin chưa được chú trọng. Một dự án lớn ảnh hưởng trực tiếp đời sống, sinh hoạt của người dân nhưng họ hoàn toàn không biết gì trước khi dự án tiến hành. Và một nguyên nhân nữa là Công ty Duy Tân đã không thực hiện đúng các quy định trong quá trình thực hiện dự án.
Sau khi việc khai thác cát bị nhân dân thị trấn Cửa Việt ngăn chặn, ngày 17/7/2017, Công ty Duy Tân đã có Tờ trình số 182 gửi UBND tỉnh xem xét xử lý, tháo gỡ vướng mắc để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án. Ngày 19/7/2017, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì cuộc họp mang tính chất đối thoại đa chiều với nhân dân khu phố 1 và khu phố 2 thị trấn Cửa Việt, cùng lãnh đạo các huyện, thị trấn, xã có liên quan đến dự án này. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Minh Tân, Tổng Giám đốc Công ty Duy Tân đã giải thích, làm rõ một số vấn đề mà người dân thắc mắc; tiếp thu, ghi nhận những ý kiến chính đáng tại cuộc họp. Đồng thời thừa nhận những sai sót của công ty trong việc khai thác cát và hứa từ nay chỉ khai thác vào ban ngày, đảm bảo xa bờ theo quy định; quyết định hỗ trợ kinh phí để lập đoàn, tổ giám sát cộng đồng nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác của công ty.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới Công ty Duy Tân sẵn sàng cùng với chính quyền địa phương đối thoại trực tiếp với các cụm dân cư, khu phố nhằm ổn định tình hình và giúp người dân hiểu rõ về dự án. Hy vọng trong thời gian tới, Công ty Duy Tân sẽ sớm khắc phục những sai phạm; phối hợp với chính quyền, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tốt các buổi đối thoại với dân, giải thích để nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng, ý nghĩa, lợi ích mà dự án này mang lại cho người dân vùng biển. Khi đó, dự án sẽ nhận được sự đồng thuận, hỗ trợ tích cực từ nhân dân.
Nhơn Bốn
|