Cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho, biếu, tặng 

(ĐCSVN) - Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước (sửa đổi). Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong Luật, vì thực tế hiện nay việc tiếp nhận và sử dụng các tài sản cho/biếu/tặng có nhiều trường hợp sai quy định, gây dư luận không tốt,…

Trình bày Báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể việc tiếp nhận các tài sản cho/biếu/tặng ngay trong Luật, vì thực tế hiện nay một số cơ quan, đơn vị sử dụng các tài sản cho, biếu, tặng (ô tô) không đúng tiêu chuẩn, định mức được quy định, dẫn đến việc phải trả lại các tài sản này cho các tổ chức, cá nhân cho/biếu/tặng. 

Ủy ban Thương vụ Quốc hội  xin giải trình, tiếp thu như sau:  Pháp luật hiện hành (Quyết định 64/2006/QĐ-TTg, Nghị định 29/2014/NĐ-CP) đã quy định các cơ quan, đơn vị chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật, đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì đại diện cơ quan, đơn vị phải từ chối và giải thích rõ lý do với người tặng quà. Trường hợp tổ chức, cá nhân tặng cho vẫn có nguyện vọng thì phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc xác lập quyền sở hữu của Nhà nước và xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc tiếp nhận và sử dụng các tài sản cho/biếu/tặng có nhiều trường hợp sai quy định, gây dư luận không tốt, đặc biệt đối với tài sản là ô tô và các tài sản phục vụ cho cá nhân.

Do đó, UBTVQH đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra và Cơ quan soạn thảo bổ sung vào Điều 11 về các hành vi bị cấm theo hướng không được sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định). (Ảnh: QH).

Về vấn đề này, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng, cần xử lý hành vi nhận xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho vì đây là hành vi tiền đề cho vi phạm sau này.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Sỹ Cương  (Ninh Thuận) cho rằng, từ hành vi nhận tài sản biếu, cho mới dẫn đến hành vi sử dụng được. Thực tế  thời gian qua nhiều địa phương nhận tài sản doanh nghiệp biếu, cho, tặng.

 “Lẽ ra Chính phủ phải tiếp thu ngay ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cấm tiếp nhận  và sử dụng xe doanh nghiệp  biếu, cho, tặng “, ĐB Cương nói.

Đồng thời, đối với quy định nghiêm cấm “Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt và sử dụng trái phép tài sản công dưới mọi hình thức; ĐB Cương cho rằng trong thực tế có nhiều trường hợp lợi dụng xe công hoặc sử dụng không đúng mục đích. Ví dụ: Đi công tác ghé về thăm quê, hết giờ làm đi thăm người ốm, có phải xử lý không?. Trên cơ sở đó, kiến nghị cần cân nhắc quy định này.  “Nếu quy định cứng nhắc như dự thảo Luật thì phải xử lý”, ĐB Cương nói.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị, cần bổ sung thêm thời điểm nhận xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng cho. “Nếu đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức nhưng vào thời điểm nhạy cảm để xin, mưu cầu lợi ích thì thế nào?”, ĐB Trí đặt vấn đề.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) lại cho rằng quy định cấm là không hợp lý, bởi trong điều kiện đất nước còn khó khăn, thì việc các tổ chức, doanh nghiệp  biếu, cho , tặng là việc làm cần được ghi nhận nhất là các xe chuyên dụng, cứu thương…, vấn đề là mục đích này có trong sáng hay không ?.

Theo đó, đề nghị không cần thiết  quy định cấm, mà cần xác lập cơ chế chuyển giao quyền sở hữu, thành lập cơ quan đầu mối tiếp nhận trong toàn quốc.

Liên quan đến việc công khai thông tin tài sản công, khoản 3 điều 9 quy định các hình thức công khai tài sản công gồm đăng tải trên cổng thông tin điện tử, công bố tại các cuộc họp, các hình thức công khai khác theo quy định. Theo ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định), quy định như trên chưa thấy rõ sự giám sát thường xuyên của người dân đối với tài sản công. Do đó, đề nghị cụ thể thêm một hình thức công khai đó là công khai trên chính tài sản công đó như các công trình, trụ sở cơ quan, nhà công vụ, xe công… 

Ở khía cạnh khác, ĐB Lê Anh Tuấn (Hà Tĩnh) đề nghị rà soát lại quy định mang tính nguyên tắc về việc sử dụng tài sản công vào mục đích liên doanh, liên kết và bảo đảm yêu cầu không làm mất quyền sở hữu tài sản của nhà nước được quy định tại Điều 54, khoản 2, điểm C và Điều 57 Khoản 2 của dự thảo. Cần cân nhắc quy định cho phép các cơ quan nhà nước được sử dụng khai thác tài sản công chưa sử dụng hết công năng vào mục đích cho thuê, khai thác theo Điều 35 của Dự thảo./.

Thu Hằng
696 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1337
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1337
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88988694