|
Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản ở huyện Hải Lăng
|
Chỉ tính riêng trong năm 2016, Thanh tra Sở TN&MT triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật tài nguyên môi trường (trong đó kết hợp lĩnh vực khoáng sản và tài nguyên nước) đối với 7 tổ chức hoạt động khai thác cát, sỏi, chế biến đá và sản xuất gạch, xi măng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã phát hiện các sai phạm và có biện pháp chấn chỉnh khắc phục những thiếu sót, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 112 triệu đồng (bao gồm cả hồ sơ 12 cá nhân do Phòng Cảnh sát Môi trường - Công an tỉnh chuyển xử phạt theo thẩm quyền) và đề xuất UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 tổ chức với số tiền 720 triệu đồng.
Bên cạnh đó, UBND cấp huyện đã tiến hành kiểm tra các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 700 triệu đồng. Ngoài ra, Sở TN&MT phối hợp với đoàn kiểm tra của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong hoạt động khoáng sản đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm 2017 đến nay, tiến hành kiểm tra 3 đơn vị khai thác cát, sỏi; qua kiểm tra phát hiện một số thiếu sót và đã yêu cầu các đơn vị khắc phục theo quy định...
Ở các huyện, thị xã, thành phố, chính quyền và lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức hoạt động kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác, kinh doanh và vận chuyển khoáng sản. Điều đáng ghi nhận là trong thời gian gần đây, trước những bức xúc, phản ánh của người dân về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép tác động xấu đến môi trường sinh thái, sản xuất, sinh hoạt và an ninh trật tự, bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 525/UBND - TN ngày 21/2/2017, các địa phương kịp thời triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh, xử lý, qua đó hạn chế được tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.
Đơn cử như trước tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ trên sông Thạch Hãn đoạn qua xã Triệu Thuận, Triệu Độ, Triệu Thành và một số địa bàn khác, tác động xấu đến môi trường sinh thái, sản xuất và sinh hoạt, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, lực lượng chức năng của huyện Triệu Phong và các xã đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả để ngăn chặn. Ông Phan Quang Giải, Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong cho biết, thời gian qua, huyện đã tích cực chỉ đạo các ngành, địa phương, đồng thời giao Công an huyện chủ trì công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm tại những khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Công an huyện phát hiện 17 trường hợp/17 đối tượng khai thác, mua bán cát, sỏi trái phép và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 53 triệu đồng; phát hiện, bắt giữ 2 vụ khai thác cát trái phép và chuyển Công an tỉnh xử lý theo thẩm quyền. Công an xã Triệu Thuận, Triệu Giang cũng đã phát hiện và xử lý 7 vụ/7 đối tượng, xử phạt 24 triệu đồng… Tuy vậy, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế như chúng tôi đã đề cập.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do quy định của pháp luật về lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, chồng chéo gây khó khăn trong việc tổ chức thực hiện; công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật mặc dù được triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản của một số cấp ủy, chính quyền chưa cao, có nơi còn buông lỏng. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản các cấp còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn và năng lực quản lý; chưa có đủ phương tiện, máy móc phục vụ hoạt động.
Công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp chưa được tiến hành thường xuyên; sự phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan và chính quyền các địa phương trong việc xử lý vi phạm về lĩnh vực này còn chưa chặt chẽ, có lúc, có nơi còn chưa nghiêm, không đủ răn đe. Bên cạnh đó cũng cần thấy rằng, vì lợi ích kinh tế của mình, nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn thường không chú trọng tới việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và vận chuyển sản phẩm, tìm cách “né” các quy định về bảo vệ môi trường sinh thái, “quên” hoàn thổ sau khai thác và có nhiều phương thức để đối phó, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
Việc khai thác cát, sỏi, vàng trái phép chủ yếu diễn ra ở các địa bàn giáp ranh, vùng sâu, vùng xa, địa bàn đi lại khó khăn và ban đêm, gây nhiều khó khăn trong công tác ngăn chặn, xử lý… Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tạo bước chuyển biến cơ bản trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản và hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh, rất cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền, tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội và gắn trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tài nguyên khoáng sản.
Vận động mọi tầng lớp nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và phát huy vai trò của người dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi sai phạm trong lĩnh vực này. Đề cập thêm về giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, ông Nguyễn Thanh Lợi, Giám đốc Sở TN & MT cho biết: “Các ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần nắm chắc địa bàn, tăng cường công tác phối hợp để đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thi hành pháp luật về khoáng sản nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Đối với các doanh nghiệp vi phạm nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại về hạ tầng giao thông - kỹ thuật, trật tự xã hội, ảnh hưởng đến sinh kế, sinh hoạt của người dân thì thu hồi, kiến nghị thu hồi giấy phép hoặc không gia hạn, cấp mới giấy phép hoạt động khoáng sản”. Cũng theo ông Lợi, với chức năng quản lý nhà nước, Sở TN&MT sẽ tập trung triển khai quy hoạch hoạt động khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó chỉ tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép cho các đơn vị hoạt động khoáng sản có đủ năng lực về thiết bị, vốn, kinh nghiệm và nhân lực.
Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý khoáng sản có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn tốt...Để quản lý, bảo vệ hiệu quả hơn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thì giải pháp quan trọng là cần phải rà soát, đánh giá lại toàn bộ các giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp; không gia hạn đối với các giấy phép đã hết hạn. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức nếu lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ra các sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản hoặc tiếp tay, bao che cho các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản trái phép.
Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, trong giai đoạn 2005 - 2015, tỷ trọng ngành khai khoáng chiếm bình quân 7,8% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của tỉnh, nộp ngân sách nhà nước tổng cộng 223,41 tỷ đồng; năm 2016 nộp ngân sách nhà nước trên 23,2 tỷ đồng. Điều này cho thấy, lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản có những đóng góp nhất định đối với quá trình phát triển của tỉnh nhưng vấn đề đặt ra là tài nguyên khoáng sản có hạn, khai thác khoáng sản thường tác động xấu đến môi trường sinh thái và tạo ra những hệ lụy khác. Do vậy, tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này chính là để quản lý, khai thác khoa học, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên khoáng sản phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương.
Huy Nam - Minh Đức
|