Cần có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý tài nguyên khoáng sản. Bài 1: Thất thoát tài nguyên khoáng sản và nhiều hệ lụy 

(QT) - Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 220 mỏ, khu mỏ khoáng sản và điểm quặng chủ yếu thuộc các loại khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng. Trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn được chính quyền các cấp quan tâm với nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy vậy, nhiệm vụ quan trọng này vẫn có những hạn chế, bất cập dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn xảy ra, làm thất thoát tài nguyên, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.. Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành cần có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

Phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn

 Có mặt trên những con sông lớn như sông Thạch Hãn, Bến Hải, sông Hiếu… không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc tàu được làm bằng sắt, bê tông có kích thước lớn đang khai thác, vận chuyển cát, sỏi và những bãi tập kết cát, sỏi nhộn nhịp phương tiện ra vào. Tình trạng khai thác tràn lan, trái phép không chỉ làm thất thoát tài nguyên khoáng sản mà còn tác động rất lớn đến dòng chảy, gây xói lở bờ sông, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Văn Đô ở thôn Trung Yên, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong cho biết: “Từ mấy năm nay, sông Thạch Hãn đoạn qua địa bàn thôn có nhiều tàu ngang nhiên khai thác cát trái phép. Đây chính là nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở bờ sông, làm mất đất sản xuất, hư hỏng nhà cửa của nhiều người dân trong thôn. Người dân địa phương đã phản ánh với chính quyền và thường xuyên tổ chức ngăn chặn, xua đuổi nhưng tình hình khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Chúng tôi rất lo lắng và mong cơ quan chức năng sớm giải quyết thực trạng này”. Đây không chỉ là một điểm nóng của tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Thạch Hãn mà gần như là thực trạng chung của vấn nạn “cát tặc” trên nhiều con sông, địa bàn khác ở Quảng Trị.

Ông Đoàn Quang Luận, Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận, Triệu Phong cho hay, tình trạng khai thác cát trên sông Thạch Hãn, đoạn qua địa bàn xã diễn ra hết sức phức tạp. Các tàu khai thác có công suất lớn đa phần từ thành phố Đông Hà và huyện Gio Linh đến khai thác trái phép vào thời điểm đêm khuya và rạng sáng. Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn nhưng gặp rất nhiều khó khăn, không xử lý được bởi khi lực lượng của xã ra ngăn chặn thì các đối tượng này cho thuyền di chuyển về địa phận phường Đông Lương, Đông Lễ, thành phố Đông Hà hoặc chạy sang địa phận xã Triệu Độ, Triệu Phong.

Trên địa bàn xã cũng có khoảng 15 đối tượng thường xuyên khai thác cát, sỏi trái phép. Đối với những đối tượng này, chính quyền đã phối hợp với Công an huyện để tuyên truyền cho họ hiểu các quy định về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản và tổ chức ký cam kết không khai thác trái phép. “Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhưng do địa bàn rộng, lực lượng kiểm tra, xử lý mỏng và thiếu phương tiện nên địa phương vẫn chưa thể ngăn chặn hết vấn nạn khai thác cát, sỏi trái phép”, ông Luận nói.

Trên sông Bến Hải, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn diễn ra mặc dù các lực lượng chức năng của hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, xử lý. Vào những tháng đầu năm 2017, sau sự việc một doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản nhưng đã hết hạn từ đầu tháng 8/2016 vẫn ngang nhiên tiến hành khai thác cát trên sông Bến Hải ở địa bàn xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh gây xói lở bờ sông, làm sạt lở nhiều diện tích đất sản xuất của người dân thì hiện nay tình trạng khai thác cát trái phép lại tiếp tục tái diễn.

Theo phản ánh của người dân địa phương, trên địa bàn các xã Trung Sơn, Vĩnh Trường thường xuất hiện những chiếc thuyền hút cát có dung tích từ 10 - 20m3 . Những phương tiện này thường neo đậu ở địa bàn xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh rồi di chuyển sang và tiến hành hút cát trái phép ở một số thời điểm nhất định trong ngày, đặc biệt là vào đêm khuya nhưng chưa thấy lực lượng chức năng nào ngăn chặn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đăng Anh, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) huyện Gio Linh cho hay: “Từ phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng của huyện đã tổ chức kiểm tra nhưng khi đến hiện trường thì không thấy hoạt động khai thác. Các đối tượng thường chọn thời điểm không có các lực lượng kiểm tra, theo dõi hoặc buổi tối để khai thác cát trái phép. Thời gian tới chúng tôi sẽ thường xuyên phối hợp tổ chức lực lượng kiểm tra để ngăn chặn, xử lý hiệu quả hơn”.

Tình trạng khai thác cát, sỏi và vàng trái phép cũng đang diễn ra với quy mô và mức độ khác nhau ở thị xã Quảng Trị, thành phố Đông Hà và các huyện Hải Lăng, Đakrông, Vĩnh Linh làm thất thoát tài nguyên, xói lở bờ sông, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, sản xuất, sinh hoạt của người dân địa phương và chưa được ngăn chặn triệt để. Ngoài khai thác cát, sỏi và vàng trái phép, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng tạo ra những hệ hụy đáng lo ngại.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 25 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực. Trong đó, Bộ TN & MT cấp 6 giấy phép khai thác ti tan, cát trắng và vàng trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Đakrông cho 6 doanh nghiệp là Công ty cổ phần khoáng sản Quảng Trị, Công ty TNHH Thống Nhất, Công ty cổ phần khoáng sản Hiếu Giang, Công ty cổ phần khoáng sản Thanh Tâm, Công ty cổ phần đầu tư và khoáng sản VICO Quảng Trị và Công ty cổ phần phát triển khoáng sản 4; UBND tỉnh cấp 19 giấy phép khai thác đá, cát sỏi lòng sông làm vật liệu xây dựng thông thường, sét làm gạch ngói và ti tan cho 17 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã.

Trong quá trình khai thác khoáng sản, nhìn chung các doanh nghiệp chấp hành tương đối đầy đủ các quy định của pháp luật như khai thác theo giấy phép được cấp, khai thác trong diện tích được thuê; công tác hoàn trả mặt bằng và trồng cây trên diện tích đã được khai thác; thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; kê khai và nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thực hiện báo cáo định kỳ trong hoạt động khoáng sản, đồng thời có những đóng góp nhất định trong giải quyết việc làm, lao động ở các địa phương...

Tuy nhiên, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, bất cập. Văn bản số 91/ BC - UBND ngày 22/5/2017 của UBND tỉnh về tình hình quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn nêu rõ: “Quá trình khai thác khoáng sản, việc bảo vệ môi trường còn hạn chế, gây ô nhiễm trong khai thác, vận chuyển. Trong hoạt động khai thác khoáng sản các đơn vị vẫn còn những tồn tại sau: Một số đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản xây dựng cơ bản mỏ chậm so với tiến độ; khai thác vượt công suất cho phép; chưa chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn lao động, bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức giám sát môi trường chưa đúng quy định và chưa tiến hành đăng ký nguồn thải chất nguy hại. Các đơn vị đã có báo cáo định kỳ trong hoạt động khoáng sản nhưng còn có đơn vị không có bản đồ hiện trạng mỏ”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Lợi, Giám đốc Sở TN&MT cũng cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn đều có vi phạm các quy định ở những mức độ khác nhau. Thực tế cũng cho thấy, trên địa bàn tỉnh, số lượng các doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến sâu khoáng sản chưa nhiều, có doanh nghiệp đăng ký cam kết thực hiện chế biến sâu nhưng tiến độ triển khai chậm. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư về vốn, kỹ thuật, công nghệ để khai thác chế biến ra sản phẩm có giá trị cao mà chủ yếu vẫn còn tập trung khai thác để xuất khẩu nguyên liệu thô làm suy giảm, lãng phí tài nguyên khoáng sản. Giá trị sản xuất công nghiệp lĩnh vực khoáng sản trong những năm gần đây đạt mức tăng trưởng thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Ở một số địa phương, người dân không đồng tình, thậm chí mâu thuẫn gay gắt với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản do sản xuất, sinh hoạt và môi trường sống bị ảnh hưởng.

 (còn nữa)

Huy Nam - Minh Đức

 

 
989 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 845
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 845
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87012069