Toàn cảnh phiên họp. (Ảnh: KT)
Sáng 09/11, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trồng trọt, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật này.
Giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm tới vấn đề an toàn thực phẩm.
Đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang) ghi nhận Ban soạn thảo đã hoàn thành nhiều quy định, hướng tới mục tiêu quản lý chất lượng sản phẩm làm ra, bảo đảm tiêu chí thực phẩm an toàn, bảo đảm rõ việc quản lý an toàn thực phẩm sản phẩm trồng trọt phải tuân thủ nghiêm túc các quy định trong dự thảo Luật và Luật An toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, dẫn đánh giá của Chính phủ tại Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội, đại biểu cho rằng tình trạng thực thi các quy định về an toàn thực phẩm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn cần sự quan tâm cao. “Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm ở nước ta chủ yếu là nhỏ lẻ. Cả nước có gần 10 triệu hộ nông dân nhà nào cũng trồng rau, nuôi gà, thả cá, trồng lúa sử dụng không hết thì bán ra thị trường; tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều quan ngại. Lực lượng quản lý chuyên ngành còn thiếu về số lượng. Sự phối hợp giữa các lực lượng quản lý còn chưa chặt chẽ” – đại biểu phát biểu.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, hoàn thiện các quy định về nội dung này trong dự thảo Luật, bảo đảm được quản lý theo từng khâu của sản xuất, từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, canh tác đến thu hoạch, sơ chế, chế biến và quá trình thương mại hóa; quy định rõ và ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động trồng trọt; đảm bảo kết nối tương thích chặt chẽ và khả thi giữa các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và quy định tại Luật này.
Cũng về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) nhấn mạnh, đây là nỗi lo, bức xúc của xã hội; lương thực, thực phẩm tạo ra từ trồng trọt mà mọi người sử dụng hàng ngày chưa biết đâu là sạch, đâu là mất an toàn. Đánh giá đây là điều kiện tiên quyết để ngành trồng trọt phát triển một cách hiệu quả và bền vững nhưng theo đại biểu, dự thảo Luật đề cập vấn đề an toàn thực phẩm trong trồng trọt rất sơ sài, tản mạn.
Đại biểu đề nghị cần xây dựng một điều riêng về an toàn thực phẩm trong trồng trọt, quy định rõ những việc được làm, những việc cấm, trách nhiệm của các bên liên quan để tạo ra hành lang pháp lý cùng với Luật An toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức của các tổ chức và cá nhân, tạo chuyển biến về chấp hành pháp luật và an toàn thực phẩm nói chung cũng như trong trồng trọt nói riêng trong thời gian tới.
Trong khi đó, đại biểu A Pớt (Kon Tum) nhận định, tình trạng kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan như hiện nay đang làm tăng thêm tính nghiêm trọng của vấn đề ô nhiễm môi trường và không an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm trong sản phẩm cây trồng. Do vậy, dự thảo luật cần bổ sung những vấn đề cơ bản, có tính nguyên tắc về vấn đề kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, làm cơ sở cho việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ thực vật; đồng thời bổ sung thêm nội dung phòng, chống dịch bệnh trong quá trình canh tác.
Làm gì để tránh tình trạng được mùa, mất giá?
Góp ý vào dự Luật, đại biểu Trần Văn Huynh (Huệ Tín) - Kiên Giang đề cập tình trạng được mùa, mất giá cũng có nguyên nhân từ khâu chế biến, bảo quản sản phẩm chưa tốt. Để khắc phục tình trạng này, thực hiện chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, trồng trọt cần phải quan tâm đến công nghệ chế biến, bảo quản. Không có công nghệ bảo quản, chế biến sẽ không thể phát triển trồng trọt. Việt Nam muốn vươn lên sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, vươn ra thị trường thế giới phải quan tâm vấn đề này. Thế nhưng, đại biểu cho rằng dự luật quy định thu hoạch, chế biến, bảo quản, sơ chế, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt vẫn đơn giản. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần thể chế hóa được yêu cầu gắn sản xuất bảo quản, chế biến và thị trường thành hệ thống.
Để bảo đảm cho người nông dân yên tâm sản xuất, tránh tình trạng mất giá, đại biểu K`Nhiễu (Lâm Đồng) góp ý, cần bổ sung thêm một số chính sách như: Nhà nước hỗ trợ việc xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam. Thương hiệu sản phẩm trồng trọt của Việt Nam. Dự báo thông tin thị trường, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, an toàn thực phẩm, quản lý chặt chẽ thị trường đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Hỗ trợ người nông dân sản xuất, thương mại hóa sản phẩm làm ra...
Giải trình tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, đối với Việt Nam, trồng trọt có tầm quan trọng lớn. Đất nước ta cũng có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp. Trong xu thế hội nhập quốc tế, việc hoàn thiện thể chế để tác động tốt đến việc phát triển nền nông nghiệp nước nhà là rất quan trọng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội rất xác đáng, nghiêm túc, thể hiện sự nghiên cứu sâu, tinh thần trách nhiệm cao. Bộ sẽ rà soát, tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách tối đa để đảm bảo có một bản dự thảo Luật tối ưu nhất./.
Minh Thư