Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ, đầy đủ hơn và mang tính chất đột phá đối với chính sách phát triển ngành đường sắt để giao thông vận tải (GTVT) đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống GTVT cả nước; cần phải có chính sách đầu tư thích đáng để đưa đường sắt sớm thoát khỏi tình trạng còn lạc hậu, yếu kém hiện nay.

Đại biểu Trần Tất Thế (tỉnh Hà Nam) cho rằng, dự thảo Luật chưa thấy rõ được cơ chế thu hút kinh tế tư nhân đầu tư vào ngành đường sắt, nhiều quy định mang tính bao cấp, Nhà nước vẫn tài trợ giá cho các hoạt động đường sắt. Doanh nghiệp kinh doanh, kết cấu đường sắt vẫn được xây dựng phê duyệt mà không đấu giá, đấu thầu theo cơ chế thị trường. Mặt khác, toàn bộ hệ thống sức kéo do doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt nắm giữ. Đến nay, vẫn chỉ có một doanh nghiệp Nhà nước duy nhất vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt vừa kinh doanh vận tải đường sắt do Nhà nước đầu tư. Các doanh nghiệp khác muốn kinh doanh vận tải đường sắt phải ký kết với chủ thể này.

“Chính điều này dẫn đến việc kinh doanh không bình đẳng, còn phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế, không thu hút và tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia vào đầu tư kinh doanh đường sắt” - đại biểu Trần Tất Thế bày tỏ.

Đề cập đến những ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt, đại biểu Trần Tất Thế đồng tình cần phải có những ưu đãi để phát triển đường sắt, trong đó nhất trí ưu đãi về ngành nghề, về đất đai, về tín dụng. Tuy nhiên, đại biểu không đồng tình ưu đãi về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp vì nếu vậy những doanh nghiệp ngành nghề khác khó khăn cũng sẽ xin ưu đãi về thuế, dẫn đến thất thu thuế Nhà nước, điều quan trọng là sẽ không tạo được sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Đại biểu Võ Đình Tín (tỉnh Đắk Nông) cũng đồng tình cần có chính sách ưu đãi để tạo động lực phát triển ngành đường sắt một cách toàn diện. Do đó, cần có chính sách xã hội hóa mạnh mẽ, tạo cơ chế để Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xây dựng, nâng cấp đường sắt, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh thu hồi được vốn. Đồng thời, sớm có chính sách để xây dựng đường sắt Tây Nguyên vì đây là địa bàn có điều kiện kinh tế rất khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Văn Chương (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, Quốc hội, Chính phủ cần hạ quyết tâm chiến lược trong hôm nay để đặt nền móng vững vàng cho đường sắt phát triển. Từ quyết tâm này, Chính phủ cần tìm nguồn vốn tăng đầu tư cho ngành đường sắt.

“Nhìn ra các nước, chỉ có Chính phủ là người đầu tư chính cho kết cấu hạ tầng đường sắt. Hiếm nhà đầu tư nào bỏ vốn lớn đầu tư cho ngành kinh tế chậm thu lợi như ngành này. Vì vậy, nếu muốn nhà đầu tư thì phải có những cơ chế chính sách tạo điều kiện cho họ. Không có lợi thì trải thảm đỏ mời họ cũng không vào” - đại biểu Nguyễn Văn Chương chia sẻ.

Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (tỉnh Long An) kiến nghị, chính sách đầu tư cho đường sắt cần cụ thể hơn. Cần thiết phải quy định mức tối thiểu đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt và giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế, quyết định tỷ trọng đầu tư xây dựng đường sắt trong tổng mức đầu tư công cho ngành GTVT.

“Nếu dự thảo Luật Đường sắt lần này vẫn quy định chung chung sẽ lại khó thực thi. Hơn nữa, trong báo cáo của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn, không có vốn cho đường sắt, vì vậy, cần quy định cụ thể chính sách đầu tư trong dự thảo luật để tạo cơ sở chuẩn bị nguồn lực đầu tư cho đường sắt trong thời gian sớm nhất” - đại biểu Đặng Hoàng Tuấn bày tỏ.

Bàn về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt, đại biểu Võ Đình Tín (tỉnh Đắk Nông) cho ý kiến, việc liệt kê các hành vi bị cấm như: Đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe, đầu máy hay đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt… như vậy chưa bao quát các hành vi bị nghiêm cấm. Mặt khác, luật chỉ quy định cấm điều khiển tàu chạy quá tốc độ cũng chưa đầy đủ, vì trên thực tế nếu điều khiển tàu chạy chậm tốc độ so quy định cũng làm ảnh hưởng hoạt động chung, đề nghị bổ sung thêm vào luật để có cơ sở xử lý khi vi phạm.

Có ý kiến đề nghị rà soát, tổng kiểm tra đường ngang để có quy định phù hợp bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa tai nạn đường sắt; quy định cụ thể hơn về hành lang an toàn giao thông; quy định rõ, cụ thể trách nhiệm của các cấp khi tai nạn xảy ra; trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt của doanh nghiệp, địa phương.

Về đường sắt tốc độ cao, một số đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ sự phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và sự cần thiết có chương quy định về đường sắt tốc độ cao trong dự thảo Luật./.            

Mỹ Anh