Theo báo cáo của Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tập đoàn truyền thông The Economist (Anh), dữ liệu hải quan công bố ngày 7/6 cho thấy trong tháng Năm, xuất khẩu của Trung Quốc tính theo năm đã tăng mạnh 7,6% so với tháng trước đó.
Con số này vượt xa mức tăng trưởng nhập khẩu chỉ đạt 1,8%, so với mức 8,4% trong cùng kỳ.
EIU nhận định sự mất cân bằng trong nền kinh tế Trung Quốc ngày càng lớn.
Trong khi xuất khẩu tiếp tục được hưởng lợi từ sự phục hồi của thương mại toàn cầu, đặc biệt khi tình trạng dư thừa công suất công nghiệp của Trung Quốc đã khuyến khích các công ty tìm kiếm thị trường ở nước ngoài, thì sự yếu kém kéo dài trong lĩnh vực nhập khẩu tiếp tục bộc lộ các vấn đề liên quan đến nhu cầu nội địa suy giảm của Trung Quốc.
Dữ liệu này phù hợp với các xu hướng thương mại khu vực gần đây và cho thấy triển vọng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ được cải thiện vào năm 2024, nhờ sự gia tăng nhu cầu toàn cầu.
Cán cân thương mại quốc tế của Trung Quốc đóng góp tích cực vào tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế trong năm nay, đảo ngược lực cản được ghi nhận vào năm 2023, khi xuất khẩu hàng hóa trải qua sự điều chỉnh nghiêm trọng do đại dịch COVID-19.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy nhờ xuất khẩu sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) (22,5%) và Mỹ Latinh (18,9%), làm lu mờ đáng kể tốc độ tăng trưởng xuất khẩu yếu sang Mỹ (3,6%) và Liên minh châu Âu (-1%).
Mặc dù hai thị trường Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn là điểm đến ưu tiên của các doanh nghiệp Trung Quốc, chiếm lần lượt 14% và 14,6% giá trị hàng xuất khẩu tính bằng đồng USD trong 5 tháng đầu năm 2024, nhưng ASEAN (16,9%) hiện là thị trường nước ngoài lớn nhất của nước này, cùng với khu vực Mỹ Latinh (7,6%) đang bắt kịp dần dần.
Những động lực này phần lớn phản ánh các hoạt động trung chuyển và tái cấu trúc chuỗi cung ứng, vì trong những năm gần đây các nhà đầu tư Trung Quốc đã chuyển đến các khu vực này để tránh thuế quan nhưng vẫn đảm bảo tiếp cận thị trường Mỹ.
Xuất khẩu từ Trung Quốc sang Nga giảm 2% trong tháng Năm, tiếp tục đà giảm kéo dài từ tháng Ba. Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm đã thu hẹp cho thấy quan hệ thương mại Trung Quốc-Nga sẽ tiếp tục phát triển trong giai đoạn năm 2024-2028.
Dây chuyền lắp ráp xe ôtô năng lượng mới ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 3/7/2023. (Ảnh: THX/TTXVN)
Mặc dù vậy, vẫn có một số dấu hiệu cho thấy mô hình thương mại gần đây của Trung Quốc đang xấu đi. Tăng trưởng xuất khẩu ôtô, động lực chính cho tăng trưởng thương mại của nước này trong những quý gần đây, đã giảm còn 16,6% vào tháng Năm so với cùng kỳ năm trước, phản ánh tình trạng tắc nghẽn ngày càng trầm trọng tại các cảng châu Âu và sức chứa container toàn cầu giảm.
Theo danh mục xuất khẩu, luồng hàng hóa tăng trưởng mạnh ghi nhận trong lĩnh vực bán dẫn (28,5%), phản ánh sự đi lên của chu kỳ điện tử toàn cầu.
Nhập khẩu chất bán dẫn (17,3%) và thiết bị xử lý dữ liệu tự động (64,5%) cũng cao hơn trong tháng này, phản ánh cả nhu cầu gắn liền với thiết kế tự cung cấp của Trung Quốc trong chế tạo chất bán dẫn (chip) và sự ổn định trong nhu cầu điện tử tiêu dùng nội địa.
Các danh mục nhập khẩu khác cho thấy bức tranh đáng lo ngại hơn về nhu cầu nội địa của cường quốc lớn nhất châu Á.
So với cùng kỳ năm 2023, khối lượng nhập khẩu các mặt hàng chủ chốt như quặng sắt (6,1%) và than đá (10,7%) vượt xa dầu thô (-8,7%) và đồng (-11,5%).
Những khác biệt này làm nổi bật hiệu suất hỗn hợp trong lĩnh vực công nghiệp, cũng như triển vọng bi quan đối với cuộc khủng hoảng nhà ở đang diễn ra ở Trung Quốc.
Triển vọng tăng thuế xe điện Trung Quốc của EU, dự kiến được công bố vào ngày 4/7, có thể thúc đẩy hoạt động xuất khẩu tăng nhẹ trong tháng Sáu.
Những cân nhắc tương tự cũng có thể củng cố các chuyến hàng xuất khẩu đến Mỹ trước thời điểm áp dụng nước này áp dụng quy định thuế quan mới vào ngày 1/8.
Tuy nhiên, việc tái cơ cấu các mô hình thương mại của Trung Quốc cũng cho thấy rằng tác động trước mắt của cạnh tranh giữa nước này với các nước phương Tây sẽ sẽ không rõ rệt như những gì đã từng xảy ra trong thời kỳ đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 2018‑2019./.
Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc, kết hợp với môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện, đã thu hút ngày càng nhiều sự chú ý của các công ty FDI, khi họ tìm kiếm các cơ hội mới.