CAMPUCHIA: Số ca mắc mới COVID-19 đang tăng ở mức báo động 

(Chinhphu.vn) - Số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố sáng 18/4 cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đang tăng ở mức báo động, với 618 ca ghi nhận trong 24 giờ qua, tất cả đều do lây nhiễm cộng đồng.

Theo TTXVN, Chính phủ Campuchia vừa thông báo sửa đổi Điều 3, làm rõ giới hạn về hoạt động kinh doanh và đi lại trong vùng dịch trong đợt phong tỏa do dịch COVID-19 ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao (tỉnh Kandal) từ ngày 15/4.

Tại Phnom Penh, trong giai đoạn phong tỏa, các lò mổ gia súc, gia cầm, các nhà máy và đơn vị sản xuất lương thực, thực phẩm ở Phnom Penh và Ta Khmao có thể tiếp tục hoạt động bình thường trở lại để đảm bảo an ninh lương thực. Các công ty sản xuất trang thiết bị y tế, dung dịch rửa tay, cồn và máy thở cũng được miễn trừ các quy định của lệnh phong tỏa. 

Trong khi đó, người bán buôn, cửa hàng tạp hóa, siêu thị, cửa hàng bán gas và nhà hàng phục vụ mang đi được phép tiếp tục hoạt động với số nhân viên giới hạn. Chính quyền sẽ giám sát những hoạt động này để đảm bảo chỉ được cung cấp dịch vụ thiết yếu.

Các dịch vụ viễn thông, bưu chính, tài chính và ngân hàng được hoạt động với số nhân viên tối thiểu. Giao hàng và đồ ăn tiếp tục phục vụ trong khu vực phong tỏa. Tổng Công ty Điện lực, Cảng tự trị Phnom Penh, Công ty cung cấp nước Phnom Penh và hoạt động thu gom rác thải vẫn diễn ra bình thường.

Đánh giá về tình hình phong tỏa tại thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao, báo Khmer Times dẫn lời nhà phân tích Leap Chanthavy cho rằng các các biện pháp đã được chuẩn bị kỹ nhưng việc thực thi còn nhiều bất cập, khiến tình hình một số khu dân cư trở nên lộn xộn. Ông cho biết một số quan chức đặt rào chắn đường mà không có hướng dẫn cụ thể và không có những quyết định hợp lý.

Số liệu do Bộ Y tế Campuchia công bố sáng 18/4 cho thấy số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đang tăng ở mức báo động, với 618 ca ghi nhận trong 24 giờ qua, tất cả đều do lây nhiễm cộng đồng. 

Theo đó, trong ngày thứ 4 áp đặt lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội, số ca mắc mới COVID-19 ở Campuchia chủ yếu ghi nhận ở thủ đô Phnom Penh (493 ca), tiếp đến là các tỉnh Sihanoukville (75 ca) và Kandal (31 ca). Các ca còn lại ghi nhận rải rác ở Svay Rieng, Prey Veng, Kampong Speu, Takeo và Kampong Cham.  

Tính đến thời điểm này, Campuchia có tổng cộng 6.389 ca mắc COVID-19, trong đó có 43 ca tử vong - tăng 2 ca so với một ngày trước đó. 

Chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh đang bị tạm dừng 3 ngày trong bối cảnh nhiều nhân viên y tế không thể đi tới các điểm tiêm chủng do tình trạng phong tỏa. Hiện Campuchia đã tiêm vaccine cho khoảng 1,24 triệu người trên cả nước.

Ấn Độ ghi nhận hơn 260.000 ca nhiễm mới

 

Ấn Độ ngày 18/4 tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, với 261.500 ca trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 14,79 triệu ca. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tại nước này cũng tăng 1.501 ca lên 177.150 ca. 

 

Theo TTXVN, trong một tuyên bố, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết số ca mắc và tử vong do COVID-19 ở nước này đang tăng ở mức "đáng báo động". Đáng chú ý, thủ đô New Delhi và bang Maharashtra đều ghi nhận số ca mắc mới tăng kỷ lục, lần lượt ở mức 24.375 ca và 67.123 ca. 

 

Như một biện pháp phòng ngừa, chính quyền New Delhi đã yêu cầu cách ly tại nhà 14 ngày bắt buộc đối với những người trở về từ lễ hội tôn giáo Kumbh Mela ở Haridwar, bang Uttarakhand. Những người vi phạm sẽ phải đối mặt với các biện pháp pháp lý. 

 

Trước đó, tối 17/4, Thủ tướng Narendra Modi đã chủ trì cuộc họp cấp cao để đánh giá tình hình dịch COVID-19, trong đó ông nhấn mạnh các bang cần phải tập trung vào việc xét nghiệm, theo dõi và điều trị. Ngoài ra, cần thực hiện tất cả biện pháp cần thiết để nâng cao khả năng cung cấp giường cho bệnh nhân COVID-19, trong đó có việc xây dựng các bệnh viện và trung tâm cách ly tạm thời.

 

Hiện nay, với sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc, hệ thống y tế của Ấn Độ ở nhiều bang và thành phố đang phải chịu sức ép lớn. Maharashtra, Delhi, Madhya Pradesh và các bang có dịch bệnh lây lan mạnh, đang phải đối mặt với những vấn đề như thiếu thiết bị trợ thở, giường ICU (hồi sức cấp cứu) và thuốc Remdesivir.

 

Chính phủ Ấn Độ đã khuyến cáo người dân nên ở nhà để phá vỡ chuỗi lây nhiễm của virus SARS CoV-2. Các chuyên gia cũng kêu gọi người dân tuân thủ các quy định về phòng chống COVID-19 phù hợp như đã từng thực hiện trong thời gian đại dịch bùng phát hồi năm ngoái để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. 

126 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 619
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 619
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88304027