Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuyển, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Cam Thành cho biết: “Vì địa bàn xã rộng và dài, nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cần rất nhiều nguồn lực về tài chính. Ngay khi phát động xây dựng NTM, từ ý kiến đóng góp của cử tri, HĐND xã đã ban hành Nghị quyết 3d/2011/NQ-HĐND huy động toàn xã mỗi lao động đóng góp 2 ngày công/năm tương đương 160.000 đồng (bằng tiền của, nhân lực, hiến đất, hiến cây…) để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, giao cho Ban phát triển NTM các thôn lựa chon công trình đầu tư phù hợp trên cơ sở quy hoạch chung NTM của xã như: Bê tông hóa đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng, khu tập luyện TDTT...
Việc thực hiện nghị quyết này cho thấy sự đồng thuận lớn trong nhân dân xây dựng NTM, một số thôn khi làm đường bê tông người dân đóng góp 100% kinh phí xây dựng mà không cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Thông qua công tác tuyên truyền, nhân dân đã nhận thức đúng và đầy đủ mục đích, ý nghĩa, vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, từ đó phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi” được phát huy hiệu quả tối đa”. Sau 6 năm (2011-2016) thực hiện xây dựng NTM, xã Cam Thành đã huy động được hơn 92 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ngân sách nhà nước các cấp bố trí 51 tỷ đồng chiếm 55,43 %; các HTX, doanh nghiệp hỗ trợ, lồng ghép 11 tỷ đồng, chiếm 11,96 %; nhân dân đóng góp 30 tỷ đồng, chiếm 32,61 %. Từ nguồn vốn huy động trên, đến nay 100% tuyến đường giao thông liên xã, 85% tuyến đường giao thông liên thôn, 100% tuyến đường ngõ, xóm và giao thông nội đồng, kênh mương thủy lợi trên địa bàn xã Cam Thành đã được nhựa hóa, bê tông hóa.
Phong trào hiến đất, hiến cây mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thắp sáng đường quê được người dân tích cực hưởng ứng tham gia. 16/16 thôn đều thực hiện chương trình thắp sáng đường quê từ nhà ra ngõ. Cơ sở vật chất giáo dục, y tế, thiết chế văn hóa, TDTT được xây dựng đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về NTM. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đã chú trọng triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các mô hình có hiệu quả, cách làm hay, tạo chuyển biến mạnh mẽ nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cho người dân được biết, được bàn, được quyết định, được kiểm tra và thụ hưởng chương trình xây dựng NTM, như: Mô hình thắp sáng điện đường ngõ xóm, cổng nhà, cải tạo vườn tạp ở thôn Tân Phú; mô hình phát triển kinh tế gia đình chăn nuôi bò nhốt, cải tạo trồng mới cây hồ tiêu thôn Cam Phú 1; vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp khang trang, xây dựng cổng chào, nhà văn hóa, đường bê tông nông thôn ở Tân Phú 1, Tân Phú 2; xây dựng đường bê tông nông thôn, quy hoạch mồ mã, cải tạo đồng ruộng ở thôn Quật Xá; xây dựng đường bê tông nông thôn, hội trường ở thôn Tân Định...
Hàng năm, xã Cam Thành tổ chức tuần lễ phát động chỉnh trang nông thôn mới xanh - sạch - đẹp và an toàn với hơn 2.000 cán bộ và nhân dân tham gia, đồng thời chỉ đạo các thôn căn cứ 19 tiêu chí nông thôn mới và điều kiện của địa phương, mỗi thôn có 1 công trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “dễ làm trước, khó làm sau”. Qua đó huy động nội lực trong nhân dân, phát huy đồng thuận xã hội tích cực tham gia có hiệu quả chương trình dựng NTM. Song song với việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xã Cam Thành chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, xem đây là mục tiêu xuyên suốt, là động lực thúc đẩy quá trình xây dựng NTM. Là một xã thuần nông, Cam Thành đã khai thác hợp lý thế mạnh về đất đai vùng gò đồi miền núi, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án chuyên đề phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện như phát triển cây cao su, cải tạo và phát triển chăn nuôi bò, thí điểm phục hồi vườn tiêu và nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương.
Đến nay, toàn xã đã phát triển được một số cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, vừa mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân gồm: 603 ha cao su, 85,5 ha hồ tiêu, 1.827 ha rừng trồng, 341 ha sắn, 297 ha lạc, 67 ha lúa; đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn và chăn nuôi. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,8 triệu đồng năm 2010 lên 26 triệu đồng năm 2016. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2016 giảm xuống còn 4,3%. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân phát triển vững mạnh. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa kết hợp với phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” phát huy hiệu quả tốt. Hiện nay xã có 16/16 thôn được công nhận làng văn hóa, 3 làng được công nhận làng văn hóa xuất sắc cấp tỉnh. Quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Diện mạo NTM ngày càng phát triển khởi sắc. Theo đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Tuyển, mặc dù còn nhiều tiêu chí NTM đạt được chưa bền vững, nhưng với sự đồng thuận cao của nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, “lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho nhân dân”, tin tưởng rằng chương trình xây dựng NTM của xã Cam Thành thời gian tới sẽ đạt nhiều thành tựu hơn nữa.
Thanh Hải