Cấm lợi dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật 

(ĐCSVN) - Chiều 15/11, với 91,55% đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Luật này quy định 9 hành vi bị nghiêm cấm.

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước cấm: Làm lộ, chiếm đoạt, mua, bán bí mật nhà nước; làm sai lệch, hư hỏng, mất tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. Thu thập, trao đổi, cung cấp, chuyển giao bí mật nhà nước trái pháp luật; sao, chụp, lưu giữ, vận chuyển, giao, nhận, thu hồi, tiêu hủy tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước trái pháp luật. Mang tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước ra khỏi nơi lưu giữ trái pháp luật; Lợi dụng, lạm dụng việc bảo vệ bí mật nhà nước, sử dụng bí mật nhà nước để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật; xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp hoặc cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Soạn thảo, lưu giữ tài liệu có chứa thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước trên máy tính hoặc thiết bị khác đã kết nối hoặc đang kết nối với mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, trừ trường hợp lưu giữ bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về cơ yếu. Truyền đưa bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu.

Luật cũng cấm chuyển mục đích sử dụng máy tính, thiết bị khác đã dùng để soạn thảo, lưu giữ, trao đổi bí mật nhà nước khi chưa loại bỏ bí mật nhà nước; Sử dụng thiết bị có tính năng thu, phát tín hiệu, ghi âm, ghi hình trong hội nghị, hội thảo, cuộc họp có nội dung bí mật nhà nước dưới mọi hình thức khi chưa được người có thẩm quyền cho phép; Đăng tải, phát tán bí mật nhà nước trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng Internet, mạng máy tính và mạng viễn thông.

Cũng trong chiều nay, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi. Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, thuế là nguồn thu chính của quốc gia, nuôi dưỡng và phát triển nguồn thu, đảm bảo minh bạch công khai dễ hiểu. Quy trình thủ tục hành chính phải đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng. Dẫn chứng thời gian qua, Thủ tướng đã đối thoại với doanh nghiệp, nông dân, công nhân để tháo gỡ những khó khăn, ông Nguyễn Tạo đề nghị lãnh đạo cơ quan thuế cần tổ chức đối thoại với người nộp thuế để giải quyết những tâm tư vướng mắc của người nộp thuế, làm sao để đảm bảo thông tin, cơ chế đối thoại, thông suốt cũng sẽ góp phần phòng chống tham nhũng, cửa quyền. Do đó, các cơ quan thuế phải đối thoại với người nộp thuế 1 năm/1 lần.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cần quy trách nhiệm của các bộ, ngành với cơ quan thuế trong phối hợp nhiệm vụ, tránh việc không xác định được trách nhiệm khi có vụ việc xảy ra. Quá trình kiểm tra, thanh tra thuế phải đảm bảo có sự phối hợp với Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ để tránh tình trạng thất thu thuế.

Cho rằng luật quy định trường hợp có kết luận của cơ quan thanh tra thuế và kiến nghị của cơ quan kiểm toán nhà nước thì thực hiện theo kết luận của cơ quan quản lý thuế, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) đề nghị, cần xem xét bỏ quy định trên để không xảy ra xung đột quyền lực giữa cơ quan thuế và kiểm toán nhà nước. Vì kiểm toán nhà nước là do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Còn cơ quan quản lý thuế là cơ quan thuộc khối hành pháp. Do đó nên bỏ quy định trên để tránh xảy ra xung đột quyền lực.

Đại biểu cũng đề nghị cần nghiên cứu xem xét thận trọng quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin của khách hàng cho cơ quan thuế từ mã số thuế, số tài khoản, số dư tài khoản, vì cho rằng chưa phù hợp vì ngân hàng phải đảm bảo giữ bí mật thông tin khách hàng, chỉ được cung cấp thông tin trong trường hợp được sự chấp thuận của khách hàng và cơ quan bảo vệ pháp luật. Do đó cần quy định rõ thẩm quyền cung cấp thông tin để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân./.

Mỹ Anh

519 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 643
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 643
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87023795