Cam Lộ thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp 

(QT) - Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, mấy năm trở lại đây huyện Cam Lộ đã tập trung quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các cụm công nghiệp và thực hiện các chính sách ưu đãi cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

 

Sản phẩm của Nhà máy viên nén năng lượng tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu, Cam Lộ

 

Huyện Cam Lộ nằm trải dài hai bên Quốc lộ 9, có điều kiện giao thông thuận lợi, có vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và chế biến nông sản. Tận dụng lợi thế này, những năm qua huyện đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp nhằm ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư. Trong đó đã tiến hành quy hoạch 3 cụm công nghiệp gồm Cam Thành, Cam Tuyền và Cam Hiếu với diện tích gần 150 ha.

 

Tranh thủ nhiều nguồn vốn và thực hiện xã hội hóa, huyện đã từng bước đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó thực hiện các biện pháp, chính sách và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp. Đến nay đã có 28 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có 16 dự án đi vào hoạt động. Năm 2016 tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 380 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 8,4 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 600 lao động.

 

Dẫn chúng tôi đi thăm Nhà máy viên nén năng lượng tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu, ông Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty thương mại Quảng Trị cho biết: “Chiến lược sản xuất - kinh doanh của đơn vị là đầu tư chiều sâu, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Chính vì vậy, năm 2014 công ty đã đầu tư 40 tỷ đồng xây dựng Nhà máy viên nén năng lượng với công suất 60 tấn/ngày, sản phẩm chủ yếu là chế biến, sấy gỗ rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC xuất khẩu, tận dụng nguồn phế phẩm của gỗ để sản xuất viên nén năng lượng trên dây chuyền hiện đại và chế tạo bếp sử dụng viên nén.

 

Ba năm qua, nhà máy sản xuất, kinh doanh luôn đạt hiệu quả, không chỉ tạo công ăn việc làm cho trên 100 lao động trực tiếp mà quan trọng hơn là đã góp phần tiêu thụ sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân. Chưa dừng lại ở đó, để có vùng nguyên liệu ổn định và có chất lượng, đơn vị đồng hành với người dân trồng rừng. Đến nay nhà máy đã ký kết thỏa thuận hợp tác với huyện Cam Lộ trồng 1.500 ha rừng FSC và các địa phương khác 500 ha. Trong đó hỗ trợ toàn bộ chi phí đánh giá cấp chứng chỉ FSC cho toàn bộ diện tích của các hộ dân tham gia Hội chứng chỉ rừng Quảng Trị.

 

Đồng thời cam kết hỗ trợ vốn vay 1 ha 8 triệu đồng trong vòng 2 năm đối với những hộ có diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC từ 6 năm tuổi trở lên, lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng thương mại 2%. Đặc biệt là ký cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ rừng FSC của các hộ dân tham gia Hội chứng chỉ rừng với giá bán cao hơn giá thị trường từ 15-18%. Không chỉ trong tỉnh Quảng Trị, nhiều doanh nghiệp ngoài địa phương cũng đã đến tìm hiểu và đầu tư sản xuất kinh doanh ở các cụm công nghiệp. Điển hình như Công ty TNHH MTV Thái Bình tại Quảng Nam năm 2014 đã xây dựng nhà máy chuyên sản xuất cấu kiện bê tông ly tâm đúc sẵn và cột điện tại Cụm công nghiêp Cam Thành với tổng số vốn 14 tỷ đồng.

 

Ông Đỗ Kim Nhật Thành, Giám đốc Công ty cho biết: “Quá trình hoạt động công ty đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo huyện và các ngành chức năng. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng đáp ứng, gần đường giao thông, đặc biệt nguồn nguyên liệu dồi dào nên rất thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh”.

 

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nên tại các cụm công nghiệp ở huyện Cam Lộ ngày càng thu hút nhiều dự án đầu tư và đều đúng định hướng mà huyện ưu tiên đó là gắn vùng nguyên liệu với công nghiệp chế biến, đặc biệt là đảm bảo mục tiêu giải quyết đầu ra cho các loại nông sản. Nhờ vậy đã góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên ở các cụm công nghiệp vẫn còn tồn tại một số bất cập.

 

Theo ông Trần Hoài Linh, Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Cam Lộ, năm 2017 và những năm tới, nhiệm vụ trọng tâm của huyện đó là tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn đầu tư để xây dựng hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng, kêu gọi hỗ trợ kinh phí từ các dự án để thực hiện các thủ tục bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp.

 

Đồng thời bám sát quy hoạch của huyện đến năm 2020 đã được phê duyệt, thu hút và kêu gọi đầu tư các ngành nghề như sản xuất gạch ngói và các loại vật liệu xây dựng mới có chất lượng cao, khai thác khoáng sản trên cơ sở các nguồn tài nguyên hiện có với quy mô và công nghệ thích hợp theo hướng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, các ngành nghề chế biến các sản phẩm phù hợp với đặc điểm, thế mạnh về nguyên liệu của địa phương như cao su, hồ tiêu, gỗ rừng trồng, ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, sửa chữa điện tử…

 

Cùng với đó, xây dựng hoàn thiện quy chế hoạt động của Trung tâm phát triển cụm công nghiệp và điều lệ hoạt động tại các cụm công nghiệp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đăng ký sản xuất, kinh doanh như thủ tục xin đầu tư, thuê đất, đánh giá tác động môi trường, ưu đãi đầu tư...

 

Bá Thuần

 

1072 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 702
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 702
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 78022762