Cam kết tăng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cho những nước nghèo 

Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu đã thông qua “Tuyên bố Rome” theo đó kêu gọi “cấp phép tự nguyện” liên quan đến bằng sáng chế vaccine và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine.
Cam kết tăng nguồn cung vaccine ngừa COVID-19 cho những nước nghèo

Theo phóng viên TTXVN tại Italy, tối 21/5 (theo giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu do Ủy ban châu Âu (EU) và Italy chủ trì dưới hình thức trực tuyến đã kết thúc với việc lãnh đạo các nước giàu và đại diện các hãng dược phẩm cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 trên thế giới, cụ thể là tăng nguồn cung vaccine cho những nước nghèo hơn.

Hội nghị đã thông qua “Tuyên bố Rome” theo đó kêu gọi “cấp phép tự nguyện” liên quan đến bằng sáng chế vaccine và chuyển giao công nghệ nhằm thúc đẩy sản xuất vaccine.

Trong Tuyên bố Rome, các nhà lãnh đạo thế giới cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19” (ACT-A), một công cụ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dùng để phân bổ vaccine, dược phẩm và các loại dụng cụ xét nghiệm.

[Hội nghị thượng đỉnh y tế toàn cầu chia sẻ kinh nghiệm về COVID-19]

Tuyên bố Rome còn đề cập đến chương trình COVAX như là một cách để phân phối số vaccine dành để tặng đến các nước.

Tuy nhiên, hội nghị đã không đạt được sự đồng thuận liên quan đến nỗ lực của Mỹ và nhiều quốc gia khác theo đó muốn dỡ bỏ toàn cầu đối với các rào cản về các bằng sáng chế vaccine ngừa COVID-19.

Ngoài ra, Tuyên bố Rome cũng không bao gồm một cam kết rõ ràng nhằm tài trợ đầy đủ cho chương trình ACT-A, vốn vẫn đang bị thiếu 19 tỷ USD.

Tại hội nghị, đại diện các hãng dược phẩm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson cam kết sẽ cung cấp khoảng 3,5 tỷ liều vaccine với giá gốc hoặc giá chiết khấu cho các nước có thu thập thấp và trung bình trong năm nay và năm tới.

EU thì cam kết hỗ trợ 100 triệu liều vaccine cho những nước có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời tiến hành đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng các trung tâm sản xuất vaccine ở châu Phi.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đề xuất một kế hoạch trị giá 50 tỷ USD nhằm chấm dứt đại dịch bằng cách tập trung mạnh mẽ vào việc phát triển vaccine, theo đó đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 40% dân số thế giới trong năm nay và 60% vào cuối năm 2022.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết mỗi nước sẽ cung cấp 30 triệu liều vaccine cho các nước nghèo.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết Washington sẽ tiếp tục tặng nguồn cung vaccine dư thừa cho những nước cần vaccine.

Còn nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình thì nhấn mạnh nước này sẽ cung cấp thêm 3 tỷ USD để viện trợ quốc tế trong 3 năm tới nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển ứng phó với dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế xã hội.

Cũng theo ông Tập Cận Bình, những nước phát triển và sản xuất vaccine quan trọng cần phải có trách nhiệm cung cấp thêm vaccine cho các nước đang phát triển, vốn đang rất cần vaccine.

Trung Quốc ủng hộ việc các công ty sản xuất vaccine chuyển giao công nghệ cho các nước đang phát triển và tiến hành sản xuất chung vaccine với những nước này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết sẽ hợp tác với WHO phát triển hệ thống "radar đại dịch toàn cầu" giúp xác định nhanh chóng các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và theo dõi dịch bệnh trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi thế giới đoàn kết để chống đại dịch COVID-19 cũng như các đại dịch khác trong tương lai.

Với tư cách là Chủ tịch luân phiên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), Thủ tướng Anh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải sẵn sàng ứng phó với các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.

Tham gia hội nghị này có lãnh đạo các nước thuộc Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, cũng như những người đứng đầu của 12 tổ chức quốc tế, khu vực và các tổ chức y tế trên thế giới./. 

Ngự Bình-Huy Thông (TTXVN/Vietnam+)

 

280 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1476
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1476
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88997197