Ngày 18/10, tại Nhà Quốc hội, thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào trong việc trao đổi kinh nghiệm công tác chuyên môn giữa các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Việt Nam phối hợp với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào tổ chức Hội thảo trực tuyến trao đổi kinh nghiệm xây dựng Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Biên giới quốc gia.
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam Lê Quang Huy cho biết trong bối cảnh Quốc hội Lào đang nghiên cứu, chuẩn bị cho việc xem xét, ban hành các luật như Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Biên giới quốc gia, các Ủy ban chuyên môn của Quốc hội Lào mong muốn tham khảo kinh nghiệm từ các Ủy ban của Quốc hội Việt Nam để có thêm thông tin phục vụ quá trình ban hành hai luật trên.
Các lãnh đạo Quốc hội Việt Nam đã chỉ đạo Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Văn phòng Quốc hội khẩn trương thực hiện công tác chuẩn bị để phối hợp tổ chức hội thảo trực tuyến này.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 của Việt Nam có nhiều điểm mới, mang tính đột phá.
Cụ thể, các quy định giúp bảo đảm thống nhất về đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, tránh chồng chéo trong quản lý và thực hiện các nhiệm vụ liên quan từ Trung ương đến địa phương, giữa các bộ, ngành.
[Lãnh đạo các bộ, ngành Lào đánh giá cao thành tựu của Việt Nam]
Luật tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực của xã hội tham gia vào các hoạt động này.
“Việc thực hiện Luật đã góp phần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đo đạc, bản đồ, từng bước khắc phục tình trạng chồng chéo, lãng phí; thúc đẩy thương mại hóa thông tin, dữ liệu, sản phẩm và xã hội hóa hoạt động này," Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy khẳng định.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào Sanya Praserth nêu rõ dự án Luật Đo đạc và bản đồ đang được xây dựng, dự kiến sẽ trình Quốc hội Lào khóa IX xem xét tại Kỳ họp thứ 2 tới, nhằm quy định nguyên tắc, quy chế, biện pháp quản lý và giám sát, thanh tra hoạt động đo đạc, bản đồ được thực hiện thống nhất, đúng đắn, chính xác, hiện đại, hội nhập với thế giới.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Lào mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, bài học kinh nghiệm từ lý luận đến quá trình thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; việc áp dụng một số bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới vào xây dựng, thực hiện Luật Đo đạc và bản đồ của Quốc hội Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội hai nước đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung của dự thảo Luật Đo đạc và bản đồ của Lào gồm: chính sách của Nhà nước về đo đạc và bản đồ; hoạt động đo đạc bản đồ chuyên ngành; quy trình đăng ký công cụ, phương tiện thực hiện đo đạc và thành lập bản đồ; điều kiện kinh doanh hoạt động này...
Liên quan đến Luật Biên giới quốc gia, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Việt Nam Lê Tấn Tới nêu rõ việc trao đổi kinh nghiệm để làm rõ những vấn đề lớn trong dự thảo Luật Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào sẽ là những kinh nghiệm, bài học quý báu để Quốc hội Việt Nam sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới, qua đó góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững giữa 2 quốc gia và các nước có chung đường biên giới.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc thiết kế các quy định về bảo vệ biên giới quốc gia trong Luật Biên giới quốc gia của Việt Nam; quy định về các lực lượng tham gia bảo vệ biên giới…
Bên cạnh đó, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam cũng đề xuất một số chỉnh sửa nội dung cụ thể; kỹ thuật lập pháp, sắp xếp các chương, điều để hợp lý hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Quốc hội Lào Sanya Praserth cảm ơn những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quý báu của Quốc hội Việt Nam trong quá trình xây dựng và thi hành pháp luật về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; nhấn mạnh đây sẽ là những tư liệu quan trọng để Lào tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự thảo Luật Biên giới quốc gia trong thời gian tới./.
Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)