Ngày 12/7, ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí triển khai kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu kết nối châu Âu với thế giới. Đây là bước đi mới nhất sau các thỏa thuận đạt được với Ấn Độ và Nhật Bản cũng như cam kết tương tự của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Chiến lược của EU mang tên “Một châu Âu kết nối toàn cầu” nhằm thúc đẩy chính sách phát triển kinh tế và đối ngoại, đồng thời đảm bảo lợi ích an ninh và các giá trị của châu Âu. Kế hoạch kêu gọi chính phủ các nước thành viên EU đầu tư vào cả cơ sở hạ tầng vật chất và các khuôn khổ pháp lý.
[Liên minh châu Âu hy vọng khôi phục quan hệ với Israel]
Bên cạnh đó, EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đối tác với các quốc gia và khu vực có chung mục tiêu. Dự kiến, EU sẽ đưa ra lộ trình chính thức cho kế hoạch kết nối đầy tham vọng này từ năm 2022.
Trước đó, EU đã ký các thỏa thuận hợp tác với Nhật Bản và Ấn Độ nhằm phối hợp các dự án giao thông, năng lượng và số hóa kết nối châu Âu và châu Á.
Tháng Sáu vừa qua, các nhà lãnh đạo G7 nhất trí khởi động kế hoạch "Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn" (B3W), đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng to lớn ở các nước thu nhập thấp và trung bình./.
Nguyễn Hằng (TTXVN/Vietnam+)