Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, tại Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali, các nước thành viên đã bày tỏ lo ngại về việc giá cả lương thực và năng lượng toàn cầu tăng cao liên quan xung đột Nga - Ukraine, đồng thời bày tỏ ý định giải quyết vấn đề nguồn cung.
Phát biểu họp báo ngày 8/7, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết xung đột và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã cản trở hoạt động cung ứng lúa mì từ hai nước, vốn chiếm khoảng 14% nguồn cung toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở nhiều nơi trên thế giới.
Bà Retno cho biết: “Tất cả những người tham dự hội nghị đều lo ngại về việc giá cả lương thực và năng lượng tăng cao và nhắc lại rằng cuộc khủng hoảng hiện nay-trong đó có các vấn đề liên quan đến khả năng tiếp cận, khả năng chi trả và tính bền vững - sẽ tiếp tục cản trở sự phục hồi toàn cầu.”
Người đứng đầu ngành ngoại giao của quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á nhấn mạnh: “Các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là các nước thu nhập thấp và các quốc đảo nhỏ đang phát triển. Do vậy, yêu cầu cấp bách là giải quyết sự gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.”
[Hội nghị Ngoại trưởng G20: Nga cam kết cung cấp năng lượng giá rẻ]
Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng G20 sáng 8/7, Ngoại trưởng Retno Retno đã kêu gọi các nước phương Tây và Nga “giải quyết mâu thuẫn trên bàn đàm phán, thay vì trên chiến trường.”
Về giải pháp, đại diện nhiều nước thành viên G20 đã bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, nhằm cung cấp tuyến đường vận chuyển an toàn cho việc phân phối lương thực và năng lượng từ Nga và Ukraine.
Theo bà Retno, một số đại biểu nhấn mạnh rằng lương thực và phân bón hiện không chịu các chế tài, đồng thời tuyên bố sẵn sàng giải quyết các khó khăn thực tế trong hoạt động giao thương lương thực và phân bón, bao gồm thanh toán, bảo hiểm và hậu cần.
Hội nghị cũng thảo luận các cam kết thăm dò hợp tác sâu hơn giữa các nước thành viên G20 nhằm tăng cường an ninh lương thực và năng lượng, trong đó có việc thông qua hệ thống Liên hợp quốc hoặc các tổ chức quốc tế khác./.
Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)