Ngày 17/12, các cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách năng lượng đã kết thúc mà không có thỏa thuận nào, giữa bối cảnh các quốc gia tranh luận về cách thức ứng phó với giá carbon cao kỷ lục và các quy định đầu tư xanh sắp tới.
Tại hội nghị thượng đỉnh EU, nhà lãnh đạo các nước thành viên đã gặp nhau tại Brussels (Bỉ) để thảo luận một số vấn đề, như giá năng lượng tăng vọt. Tuy nhiên, một số quốc gia thành viên, đặc biệt là Ba Lan, thúc đẩy EU kiềm chế biến động giá trên thị trường bằng cách hạn chế hoạt động đầu cơ, một lập trường trái ngược với các quốc gia khác, bao gồm cả Đức.
Một tranh cãi khác nổi lên tại cuộc họp là việc EU có nên đưa khí đốt và năng lượng hạt nhân vào danh mục đầu tư thân thiện với khí hậu hay không, khi một số quốc gia thúc đẩy Ủy ban châu Âu đề xuất các quy định về "phân loại tài chính bền vững."
Cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo EU đã kết thúc mà không có thỏa thuận về bất kỳ vấn đề năng lượng nào, sau khi các quan chức không thể thống nhất về một văn bản cuối cùng.
[Các nước EU bất đồng về giải pháp ứng phó với giá năng lượng tăng]
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết có nhiều ý kiến khác nhau và các nhà lãnh đạo không thể đi đến thống nhất về các vấn đề được đưa ra. Do đó, vấn đề này sẽ tiếp tục được thảo luận tại một cuộc họp trong thời gian tới.
Giá carbon tiêu chuẩn tại châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục 90,75 euro (102,2 USD)/tấn vào tuần trước, tăng hơn 50% kể từ đầu tháng 11/2021. Hồi đầu năm nay, giá CO2 đứng ở mức khoảng 31 euro/tấn.
Thị trường carbon là chính sách cốt lõi của EU nhằm cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vốn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo quy định, các nhà máy phải mua giấy phép cho mỗi tấn CO2 mà họ thải ra. EC cũng đề xuất áp phí CO2 cao hơn đối với các hãng hàng không./.
Trà My (TTXVN/Vietnam+)