Các nước đối tác đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác với ASEAN 

Các nước đối tác đối thoại đã đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác mới và cam kết hỗ trợ tài chính dành cho ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 và các hội nghị liên quan.
Các nước đối tác đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác với ASEAN

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, ngày 18/7, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kao Kim Hourn cho biết các nước đối tác đối thoại đã đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác mới và cam kết hỗ trợ tài chính dành cho ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 56 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 11-14/7 tại Jakarta.

Phát biểu tại cuộc gặp ngoại giao đoàn công bố kết quả chuỗi Hội nghị AMM-56, Tổng Thư ký Kao cho hay các sáng kiến mới này bao gồm Sáng kiến của Nhóm châu Âu về kết nối bền vững, bao gồm huy động nguồn tài trợ trị giá 10 tỷ euro đến năm 2027 nhằm triển khai chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” của Liên minh châu Âu (EU) trong khu vực Đông Nam Á.

Tại hội nghị, Anh đã công bố 5 chương trình mới trị giá 113 triệu bảng Anh (150 triệu USD) được triển khai trong năm nay, bao gồm giáo dục trẻ em gái; hội nhập kinh tế; phụ nữ, hòa bình và an ninh; hệ thống y tế, bên cạnh các chương trình liên quan đến sức khỏe và thích ứng với biến đổi khí hậu dự kiến triển khai trong những tháng tới.

[EU đánh giá cao vai trò của ASEAN tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương]

Trung Quốc công bố sáng kiến hỗ trợ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP) và các nỗ lực nhằm sớm hoàn tất Tài liệu khái niệm và khởi động đàm phán Tuyên bố chung về hợp tác cùng có lợi giữa Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và AOIP.

Mỹ thông báo khởi động chương trình học bổng Mỹ-ASEAN dành cho các nhà lãnh đạo vào tháng Tám tới.

AMM-56 cũng chứng kiến nhiều cam kết tài chính dành cho ASEAN, trong đó Australia thông báo dành 1,4 triệu AUD (950.000 USD) cho Liên minh nghiên cứu bảo vệ sinh học; hỗ trợ 2,2 triệu AUD cho Chương trình đổi mới vì lương thực khu vực ASEAN của Liên minh các viện nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR); và hỗ trợ 10 triệu AUD cho Sáng kiến trái phiếu cam và tăng hỗ trợ cho Timor-Leste với số tiền 8,6 triệu AUD.

Về phần mình, Nhật Bản nhất trí đóng góp 100 triệu USD cho Quỹ hội nhập Nhật Bản - ASEAN (JAIF) 3.0 được thành lập vào tháng 3/2023 nhằm hỗ trợ các dự án trong các lĩnh vực trọng điểm của AOIP.

Tổng thư ký Kao cho biết thêm rằng ASEAN và các đối tác đối thoại cũng đang thúc đẩy các kế hoạch lớn, trong đó có các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, bao gồm công bố Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Nhật Bản tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 26 vào tháng Chín tới; tổ chức Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Nhật Bản vào tháng 12 tới; thông qua Tuyên bố tầm nhìn mới và Kế hoạch thực hiện nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương.

Bên cạnh đó, với việc khởi động Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN (KASI) nhằm tăng cường quan hệ với ASEAN, Hàn Quốc lên kế hoạch tăng hỗ trợ cho các quỹ hợp tác với ASEAN lên 48 triệu USD/năm vào năm 2027.

Seoul cũng đề nghị thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN vào năm 2024 nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ đối thoại.

Ngoài ra, ASEAN và Hàn Quốc cũng đang nỗ lực hướng tới việc thông qua Tuyên bố chung về hợp tác trong khuôn khổ AOIP tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc vào tháng Chín tới.

Hàn Quốc sẽ khởi động một dự án trị giá 20 triệu USD để thúc đẩy hợp tác với ASEAN trên 4 lĩnh vực ưu tiên của AOIP.

Trong khi đó, phía Mỹ thông báo gia hạn Thỏa thuận hợp tác phát triển khu vực ASEAN-USAID (RDCA) từ năm 2025 đến năm 2029, và tiến hành các nỗ lực không ngừng nhằm đưa ra Đạo luật ASEAN về cung cấp sự công nhận và đối xử phù hợp cần thiết để tăng cường quan hệ (PARTNER).

Một khi có hiệu lực, đạo luật này sẽ giúp tăng cường quan hệ Mỹ-ASEAN bằng cách chỉ định ASEAN là một tổ chức quốc tế với các đặc quyền và quyền miễn trừ ngoại giao phù hợp với Đạo luật miễn trừ tổ chức quốc tế (IOIA).

Cuối cùng, theo Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn, các Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) đã nhất trí tiếp tục củng cố các cơ chế EAS để theo dõi hiệu quả các quyết định và sáng kiến của các nhà lãnh đạo, bao gồm tiếp tục nỗ lực đàm phán và ký kết Điều khoản tham chiếu (TOR) về Nhóm đại sứ các nước thành viên EAS tại Jakarta nhằm hỗ trợ và giám sát việc thực hiện quyết định của các nhà lãnh đạo./.

Hữu Chiến (TTXVN/Vietnam+)

 

219 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 708
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 708
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87057627