Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 29/12 đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin thảo luận về những nỗ lực nhằm đạt được giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Libya.
Người phát ngôn Chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Đức và lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Nga đã có sự trao đổi sâu rộng hơn nhằm tăng cường những nỗ lực ngoại giao. Ngoài vấn đề Libya, người phát ngôn này cho biết nhà lãnh đạo Đức còn thảo luận với 2 người đồng cấp về diễn biến mới tại Syria.
Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo cuộc xung đột tại Libya có nguy cơ trở nên hỗn loạn và quốc gia Bắc Phi này có thể trở thành một Syria tiếp theo.
Cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Ankara đang đẩy nhanh tốc độ cho ra đời một đạo luật cho phép Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tới Tripoli.
[Quân đội miền Đông Libya chuẩn bị tấn công các khu vực lân cận Tripoli]
Ông Cavusoglu cho rằng một khi tình hình tại Libya trở nên giống với Syria, sự nguy cơ hiệu ứng domino sẽ lan tràn trong khu vực. Do đó, theo ông, cần làm điều gì đó để ngăn chặn Libya bị chia rẽ và rơi vào hỗn loạn.
Dự kiến, trong ngày 30/12, ông Cavusoglu sẽ gặp lãnh đạo 3 đảng đối lập tại Libya và sau đó, chính phủ nước này dự kiến sẽ thảo luận về những diễn tiến mới trong tuần này.
Trong khi đó, Ai Cập và Pháp đã nhất trí hợp tác chặt chẽ nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Libya hiện nay.
Văn phòng Tổng thống Ai Cập ngày 30/12 cho biết Tổng thống nước này Abdel Fattah Al Sisi đã điện đàm với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron.
Trong cuộc điện đàm này, nhà lãnh đạo Ai Cập thể hiện lập trường đặt trọng tâm vào việc khôi phục an ninh và ổn định tại Libya, ủng hỗ những nỗ lực chống khủng bố và làm suy yếu các hoạt động của những nhóm vũ trang và chặt đứt sự can thiệp của nước ngoài vào tình hình nội bộ của Libya.
Trước đó, ông Al Sisi cũng đã tham vấn lãnh đạo một số nước như Mỹ, Italy, Đức, Hy Lạp về việc chấm dứt cuộc khủng hoảng Libya.
Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi.
Hiện, nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. GNA do ông Fayed al-Sarraj đứng đầu được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và được các nhóm dân quân hậu thuẫn.
Trong khi đó, lực lượng của Tướng Khalifa Hafta ủng hộ chính quyền ở miền Đông. GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp./.
Lan Phương (TTXVN/Vietnam+)