Số liệu của Chính phủ Nhật Bản ngày 21/6 cho thấy, có 22.437.512 người dân nước này (tương đương 17,64% dân số) đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Trong khi đó, số người tiêm mũi thứ hai là 9.154.518 (tương đương 7,2%), trong đó bao gồm cả các công dân nước ngoài.
Trong một nỗ lực nhằm đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine ngừa COVID-19, bắt đầu từ ngày 21/6, Nhật Bản tiến hành tiêm vaccine đồng bộ tại nơi làm việc trên cả nước. Chiến dịch này nhằm hướng tới mục tiêu hoàn thành tiêm chủng toàn quốc vào tháng 10 hoặc tháng 11 năm nay. Hiện đã có gần 13 triệu người đăng ký tiêm chủng tại hơn 3.400 địa điểm tiêm chủng ở nơi làm việc hoặc trường đại học trong cả nước Nhật Bản. Đối tượng tiêm chủng tại các địa điểm này không chỉ là nhân viên của nơi tổ chức, mà còn có người thân, gia đình, đối tác kinh doanh, thậm chí cư dân xung quanh cũng có thể đăng ký tiêm chủng.
|
Nhật Bản tiến hành tiêm vaccine đồng bộ tại nơi làm việc trên cả nước (Ảnh: NHK) |
Tại Ấn Độ, nhằm đẩy mạnh chương trình tiêm chủng trong nước, chính phủ đã quyết định tiêm vaccine miễn phí cho tất cả những người trưởng thành. Theo đó, giới chức y tế thông báo đã mở rộng chương trình tiêm vaccine cho cả những người trưởng thành dưới 45 tuổi từ ngày 1/5, nhưng các bệnh viện nhà nước và tư nhân phải tự thu mua vaccine cho nhóm người trẻ tuổi này, dẫn đến tình trạng lộn xộn và thiếu hụt vaccine. Tuy nhiên sau đó, nhà chức trách tuyên bố sẽ mua 75% lượng vaccine và phân phối vaccine cho các bang để tiêm miễn phí cho người dân. Sau khi chính phủ Ấn Độ điều chỉnh chiến lược tiêm vaccine, nước này đạt thành tích ấn tượng khi tiêm được 5 triệu liều trong ngày 21/6, cao nhất từ trước đến nay. Trong 30 ngày qua, trung bình mỗi ngày nước này tiêm khoảng 2,7 triệu liều vaccine COVID-19. Hiện Ấn Độ mới tiêm chủng đủ 2 mũi cho 5% trong số 950 triệu người đủ điều kiện tiêm chủng. Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho tất cả gần 1,1 tỷ người trưởng thành vào cuối năm nay.
Liên quan đến chiến dịch triển khai vaccine ngừa COVID-19, Bộ Y tế Lào cho biết nước này đang triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 đợt hai cho người dân trên khắp cả nước. Theo đó, những người nước ngoài ở Lào cũng được tiêm vaccine hoàn toàn miễn phí. Tại thủ đô Vientiane, tâm điểm của làn sóng dịch COVID-19 thứ hai, Bộ Y tế Lào đặt mục tiêu đến cuối năm sẽ tiêm được cho ít nhất 50% người dân trên toàn thành phố với 3 loại vaccine chính là Pfizer, AstraZeneca và Sinopharm.
Trong đợt tiêm vaccine lần thứ nhất bắt đầu từ tháng 3, đã có gần 1 triệu 110 nghìn người dân trên khắp cả nước được tiêm vaccine, trong đó gần 395 nghìn người đã tiêm đủ hai mũi vaccine. Nhờ thế, cùng với các biện pháp phòng dịch quyết liệt của chính phủ, làn sóng COVID-19 thứ hai tại Lào đến nay đã cơ bản được kiểm soát sau khoảng 2 tháng bùng phát. Cho đến thời điểm này, Lào đã có hơn 2,1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19. Với sự cam kết hỗ trợ của các tổ chức quốc tế và các đối tác, chính phủ Lào tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu 50% dân số nước này được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.
Trong khi đó, Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu tăng số lượng người tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 mỗi ngày lên 400.000 người vào tháng 8 để có thể đạt 80% mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng vào tháng 9 tới. Hai tuần sau khi đặt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 300.000 người/ngày vào tháng 8/2021, Bộ trưởng Khoa học, công nghệ và sáng tạo Malaysia kiêm Bộ trưởng Điều phối Chương trình tiêm chủng quốc gia phòng COVID-19 Khairy Jamaluddin đã nâng mục tiêu này lên mức 400.000 người/ngày.
Theo ông Khairy, ban đầu Malaysia đặt mục tiêu tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 cho 200.000 người/ngày vào tháng 7, nhưng đến ngày 15/6 đã đạt chỉ tiêu và tiêm thành công cho hơn 200.000 người/ngày trong 3 ngày liên tục. Do đó, Malaysia quyết định nâng mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho tháng 7 lên 300.000 người/ngày và tháng 8 là 400.000 người/ngày. Bộ trưởng Khairy cho biết hiện cứ 100 người tiêm vaccine phòng COVID-19 thì có 30 người đã tiêm mũi thứ 2. Dự kiến vào trung tuần tháng 7 tới, số người hoàn thành cả 2 mũi tiêm sẽ chiếm khoảng 10% dân số. Để đạt mục tiêu này, cần phải có 3,2 triệu người hoàn thành tiêm 2 mũi. Theo Bộ Y tế Malaysia, tính đến hết ngày 20/6, Malaysia có 5.815.575 người tiêm phòng COVID-19, trong đó có 4.202.601 người tiêm một mũi, chiếm 12,9% dân số, và có 1.612.974 người đã hoàn thành tiêm 2 mũi. Ngày 17/6 vừa qua, Malaysia ghi nhận kỷ lục về số người tiêm vaccine phòng COVID-19 với 221.706 người được tiêm, trong đó có 43.830 người tiêm mũi 2./.
K.G (theo báo chí nước ngoài)