Gần như tất cả các nhóm vũ trang ở Mali ngày 22/12 đã đình chỉ việc tham gia thỏa thuận hòa bình quan trọng được ký kết hồi năm 2015, chỉ trích chính quyền quân sự đương nhiệm “thiếu ý chí chính trị” để duy trì thỏa thuận này.
Tập hợp các phong trào Azawad (CMA) - một liên minh gồm các nhóm phiến quân chính ở Mali do nhóm nổi dậy người Tuareg dẫn đầu - cùng với hầu hết các nhóm vũ trang khác đã nhất trí với quyết định đình chỉ việc tham gia giám sát và thực thi cơ chế của thỏa thuận hòa bình năm 2015.
Trong tuyên bố chung, CMA nêu rõ quá trình đình chỉ hợp tác sẽ được duy trì “cho đến khi một cuộc họp được tổ chức với sự hòa giải quốc tế và trên cơ sở trung lập, để quyết định tương lai của thỏa thuận nói trên.”
[Căn cứ của Lực lượng gìn giữ hòa bình tại Mali bị tấn công]
Các nhóm vũ trang bày tỏ quan điểm chung là “lấy làm tiếc về tình trạng thiếu ý chí chính trị từ phía chính quyền chuyển tiếp nhằm thực hiện thỏa thuận hòa bình và hòa giải ở Mali.”
Họ cũng chỉ trích “sự trì trệ của chính quyền trong công tác đối phó với những thách thức an ninh đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và buộc phải rời bỏ nhà cửa” ở các khu vực Menaka, Gao và Timbuktu.
Các nhóm phiến quân cũng đưa ra “lời kêu gọi khẩn cấp” gửi tới các tổ chức nhân đạo nhằm giúp đỡ những người dân gặp nạn ở các khu vực này.
Đầu tháng 12, CMA đã đề cập đến “sự sụp đổ” của thỏa thuận năm 2015 và kêu gọi các bên bảo lãnh quốc tế “tránh nguy cơ rạn nứt niềm tin” giữa các bên tham gia ký kết.
Mali gần đây đã trải qua hai cuộc đảo chính quân sự vào tháng 8/2020 và tháng 5/2021. Chính quyền quân sự đã thông qua lộ trình chuyển tiếp quyền lực để cho phép chế độ dân sự trở lại điều hành đất nước từ tháng 3/2024./.
Nguyễn Tùng (TTXVN/Vietnam+)