Ngày 4/4, Ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhóm họp tại Brussels nhân kỷ niệm 75 năm ngày thành lập khối liên minh quân sự này.
Trong khuôn khổ cuộc họp, các Ngoại trưởng NATO đã nhất trí bắt đầu lập kế hoạch đảm nhận vai trò lớn hơn trong điều phối viện trợ quân sự cho Ukraine.
Các nhà ngoại giao cho biết động thái trên diễn ra sau khi Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đề xuất khối này sẽ tiếp quản công việc từng được nhóm Ramstein - liên minh đặc biệt do Mỹ dẫn đầu - đảm trách.
Ông Stoltenberg cũng đề xuất một quỹ trị giá 100 tỷ euro (khoảng 108 tỷ USD) để hỗ trợ quân đội Ukraine trong vòng 5 năm. Đề xuất này chỉ có hiệu lực khi các nước thành viên NATO đồng thuận.
Theo kế hoạch, trong ngày 4/4, các Ngoại trưởng NATO sẽ gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba.
Ông Kuleba cho biết tại cuộc gặp, Kiev sẽ đề nghị NATO hỗ trợ thêm hệ thống phòng không Patriot để tăng cường an ninh quốc gia.
Trước đó, phát biểu với báo giới tại Brussels ngày 3/4, Tổng Thư ký NATO Stoltenberg nhấn mạnh: "Đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn, mối liên kết giữa châu Âu và Bắc Mỹ quan trọng hơn bao giờ hết."
Ông cũng khẳng định NATO sẽ tiếp tục củng cố liên minh và sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác trên toàn cầu vì hòa bình và an ninh.
Cho đến nay, với tư cách liên minh quân sự, NATO chỉ tập trung gửi viện trợ không gây sát thương tới Ukraine, trong khi các thành viên khối này viện trợ vũ khí trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine theo phương thức hợp tác song phương.
Theo các nhà ngoại giao, ngày càng có nhiều ý kiến trong NATO cho rằng đã đến lúc cần cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine theo cơ chế bền vững và lâu dài hơn./.
Theo các nhà ngoại giao, ngày càng có nhiều quan điểm trong NATO cho rằng đã đến lúc cần cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine theo cơ chế bền vững và lâu dài hơn nữa.