Các lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ, Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp 

(ĐCSVN) – Văn phòng Tổng thống Myanmar, ngày 1/2, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 1 năm, sau khi nhiều quan chức cấp cao của đảng cầm quyền, bao gồm Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống U Win Myint bị quân đội bắt giữ trong một cuộc đột kích vào rạng sáng cùng ngày.
Các lãnh đạo cấp cao bị bắt giữ, Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp

Sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp do quyền Tổng thống Myanmar U Myint Swe – người trước đó nắm giữ vị trí Phó Tổng thống thứ nhất, ký ban hành.

Theo sắc lệnh được công bố trên đài phát thanh Myawady TV của quân đội, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing lên nắm quyền sau khi các nhà lãnh đạo chính phủ bị quân đội bắt giữ.

Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Myo Nyunt xác nhận, ngoài Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint  thì nhiều nhà lãnh đạo khác cũng nằm trong số những người bị bắt. Ông kêu gọi người dân Myanmar không nên hành động vội vã và cần tuân thủ pháp luật.

Một nhân chứng nói với Reuters rằng, các binh sỹ đã được triển khai bên ngoài tòa thị chính ở thành phố Yangon vào ngày 1/2.

Cũng theo Reuters, đài truyền hình nhà nước Myanmar MRTV không thể phát sóng vào sáng 1/2 vì các vấn đề kỹ thuật. Thông điệp đăng trên facebook của MRTV khẳng định: “Chúng tôi xin trân trọng thông báo với công chúng rằng đài phát thanh và đài truyền hình không thể phát sóng vì gặp vấn đề kỹ thuật”.

Trong khi đó, hãng thông tấn NHK cùng ngày đưa tin kết nối internet tại thành phố Yangon lớn của Myanmar đã bị gián đoạn.

Vụ việc diễn ra chỉ ít lâu sau khi đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo (hơn 80% số ghế) trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Tuy nhiên, quân đội Myanmar đã bác bỏ tính hợp pháp của cuộc bầu cử trước cáo buộc đã có triệu tên trùng lặp trong sổ đăng ký cử tri. Quân đội đã yêu cầu Chính phủ cùng Ủy ban bầu cử Myanmar điều tra và hành động thỏa đáng.

Dự kiến, trong ngày hôm nay (1/2), Quốc hội mới của Myanmar sẽ triệu tập phiên họp đầu tiên kể từ sau bầu cử. Tuy nhiên quân đội đã yêu cầu hoãn phiên họp này trong một thông báo phát đi ngày 31/1 với lý do “đất nước không nên có hành động gì tiếp theo trong bối cảnh hiện nay”.

Ngay lập tức, một số nước đã bày tỏ lo ngại về diễn biến mới nhất tại Myanmar. Đêm 31/1, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki kêu gọi quân đội và tất cả các đảng phái khác tại Myanmar tôn trọng dân chủ và pháp quyền, đồng thời trao trả tự do cho những ai bị bắt giữ. Mỹ phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của các cuộc bầu cử gần đây, hay cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ tại Myanmar.  Mỹ cũng cảnh báo sẽ “hành động” chống lại các đối tượng chịu trách nhiệm cho sự việc này nếu như các bước đi không được đảo ngược.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Australia Marise Payne ra tuyên bố bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến mới nhất tại Myanmar, đồng thời kêu gọi quân đội nước này cần tôn trọng pháp quyền./.

 
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)
157 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1110
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1110
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87095744