Lần đầu tiên trong vòng hai năm, nền kinh tế Trung Quốc đã chính thức rơi vào tình trạng giảm phát khi đồng thời chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) đều thấp.
Áp lực giảm phát đã đe dọa các doanh nghiệp Trung Quốc trong bối cảnh kinh tế yếu đi.
Ông Nie Xingquan, chủ công ty Italia Elsina Group, môt doanh nghiệp chuyên kinh doanh giày da thủ công có trụ sở tại thành phố Ôn Châu, miền Đông Trung Quốc, cho biết nhu cầu thấp đến mức doanh nghiệp của ông phải giảm 3% giá bán hàng hóa, nhưng vẫn chứng kiến hoạt động kinh doanh đình trệ từ tháng Hai, khiến lợi nhuận sụt giảm liên tục.
Ông nói nhiều khách hàng tiếp tục lo lắng về những thiệt hại mà dịch COVID-19 gây ra cho họ. Trong khi một số nhà bán lẻ, thay vì đặt hàng mới, đang cố gắng bán tất cả hàng tồn kho mà họ tích lũy được, để bảo toàn dòng vốn và kỳ vọng doanh số sẽ tăng.
[Lần đầu tiên trong hơn 2 năm, Trung Quốc chính thức rơi vào giảm phát]
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trải qua giai đoạn phát triển “kỳ lạ” sau đại dịch. Thay vì chứng kiến giá cả tăng tốc giống như các nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc đang ở trạng thái giá giảm, ở các khu vực bán buôn và các cửa hàng bán lẻ.
Chỉ số PPI của Trung Quốc, trong tháng Bảy, đã giảm 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 10 liên tiếp.
Chỉ số CPI, thước đo chủ chốt của lạm phát, trong cùng tháng đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các dữ liệu mới công bố cũng cho thấy lần đầu tiên kể từ cuối năm 2020, cả chỉ số CPI và PPI của nước này đều giảm.
Khác với đợt giảm tạm thời vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, đợt giảm giá tiêu dùng mới nhất này đáng lo ngại hơn.
Giai đoạn 2020-2021, chỉ số PPI của Trung Quốc giảm chủ yếu do giá thịt lợn hạ. Giờ đây, xuất khẩu suy yếu đã trở thành nguyên nhân chính, khi người tiêu dùng ở một số thị trường lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm Mỹ và châu Âu, giảm chi tiêu.
Suy giảm kéo dài trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc cũng góp phần đẩy giá thuê nhà, đồ nội thất và thiết bị gia dụng đi xuống.
Ngoài ra, cuộc chiến giá xe điện (EV), bắt nguồn từ việc “gã khổng lồ” Tesla giảm giá bán, khiến một loạt các thương hiệu lớn khác cũng phải hạ giá theo, tạo ra một mặt bằng giá mới thấp hơn trên toàn thị trường ôtô vào đầu năm nay.
Về lý thuyết, nếu giá giảm trên nhiều loại hàng hóa, trong một thời gian dài, thì người tiêu dùng có thể trì hoãn mua hàng, gây ra tác động hạn chế hoạt động kinh tế hơn nữa và buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục giảm giá.
Vòng tuần hoàn giá giảm và giảm tiêu dùng sẽ “bóp nghẹt” doanh thu và lợi nhuận, khiến các công ty hạn chế đầu tư và giảm việc làm - dẫn đến tình trạng trì trệ kinh tế.
Ông Chen Yubing, Giám đốc công ty Jiayao Textile - một nhà sản xuất vải polyester và nylon có trụ sở tại tỉnh Chiết Giang, nói: “Có vẻ như mọi người không còn chi tiêu nhiều vào quần áo như trước nữa.”
Nhà máy của ông Cheng đã phải giảm giá tổng cộng 5% trong năm nay, bất chấp chi phí tăng lên một mức tương ứng.
Ông chia sẻ cạnh tranh đã trở nên khốc liệt hơn và nhiều nhà máy đang giảm giá để tăng doanh số bán hàng. Điều này dẫn đến một vòng luẩn quẩn đi xuống.
Tuy nhiên, không phải tất cả các ngành hàng đều chứng kiến sự sụt giá. Nếu tiêu dùng được đánh giá là có mức giảm giá lớn nhất, thì chi tiêu cho các mặt hàng thuộc lĩnh vực dịch vụ vẫn khá mạnh.
Giá du lịch của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, nhờ giá khách sạn tăng. Chi phí trong các dịch vụ như giải trí, giáo dục và chăm sóc y tế vẫn đang tăng lên.
Giới phân tích cho rằng lý do chính khiến giá cả hàng hóa của Trung Quốc rơi xuống mức thấp trong những tháng gần đây là vì lượng tồn kho tích tụ từ trong đại dịch và quý 1/2023, khi các doanh nghiệp vẫn còn rất lạc quan sau khi chính sách "Không COVID" được dỡ bỏ hoàn toàn. Nhưng giờ đây điều đó đã bị đảo ngược, các doanh nghiệp đang hạ giá để giảm hàng tồn kho.
Về lạm phát, một số nhà kinh tế kỳ vọng chỉ số kinh tế này sẽ có xu hướng thấp hơn trong vài tháng nữa, trước khi bật tăng trở lại vào cuối năm nay.
Khảo sát của hãng tin kinh tế Bloomberg (Mỹ) dự đoán lạm phát cả năm 2023 của cường quốc lớn thứ hai thế giới chỉ vào khoảng 0,8%, thấp nhất kể từ năm 2009.
Lạm phát thấp đang làm tăng lãi suất thực, đẩy chi phí trả nợ của các doanh nghiệp lên cao và làm suy yếu cam kết thúc đẩy hoạt động cho vay của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương).
Các nhà kinh tế đánh giá PBoC nhiều khả năng sẽ phải bổ sung các biện pháp kích thích mới cho nền kinh tế. Tuy nhiên, cơ quan này hiện đang phải đối mặt với một số vấn đề hạn chế, bao gồm đồng nhân dân tệ (NDT) yếu hơn và mức nợ trong nền kinh tế tăng cao.
Các quan chức PBoC đã ra tín hiệu cho biết có thể áp dụng một số biện pháp nới lỏng, chẳng hạn như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại.
Nhiều nhà kinh tế dự đoán PBoC sẽ hạ lãi suất tham chiếu thêm 10 điểm cơ bản (0,1%) trong quý 3/2023.
Ông Ken Cheung, Giám đốc chiến lược ngoại hối tại ngân hàng Mizuho, nói: “Dữ liệu kinh tế yếu của Trung Quốc sẽ tiếp tục kìm hãm tiêu dùng. Các hộ gia đình sẽ vẫn thận trọng hơn trong việc mua các sản phẩm có giá trị cao do lo ngại nguy cơ mất việc làm và cắt giảm lương.”
Ông Ken tin rằng trong bối cảnh hiện nay, PBoC sẽ sớm thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ bổ sung./.
Diệu Linh (TTXVN/Vietnam+)