Trong khuôn khổ Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế ILA Berlin 2024, các công ty quốc phòng Rheinmetall (Đức) và Lockheed Martin (Mỹ) đã ký một thỏa thuận nguyên tắc về hợp tác trang bị cho các lực lượng vũ trang trên bộ, trên không và hải quân.
Đối với Tổng giám đốc Rheinmetall, Armin Papperger, đây là cơ sở để mở rộng đáng kể hoạt động kinh doanh của tập đoàn thuộc danh mục 40 cổ phiếu chủ lực DAX trên Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt.
Công ty có trụ sở tại Düsseldorf đang hợp tác với Lockheed để phát triển hệ thống tên lửa pháo binh mới tương tự như hệ thống tên lửa pháo binh Himars đang được sử dụng ở Ukraine. Ngoài ra, hai bên còn hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu F-35.
Rheinmetall đang xây dựng một nhà máy ở Weeze, vùng Lower Rhine (Niederrhein), nơi sẽ sản xuất các bộ phận thân máy bay F-35 trong tương lai.
Các công ty vẫn chưa công khai chi tiết về thỏa thuận hợp tác mới. Ngoài các lĩnh vực được nhiều người biết đến, hai công ty chỉ đề cập đến lĩnh vực hệ thống vũ khí laser, phòng không và mô phỏng, huấn luyện.
Theo thỏa thuận, Rheinmetall có được quyền tiếp cận công nghệ của một đối tác lớn hơn nhiều. Ngược lại, Lockheed Martin có khả năng tiếp cận thị trường châu Âu tốt hơn.
Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2/2022, các nước châu Âu đã tăng ngân sách quốc phòng để mua các hệ thống vũ khí mới.
Các nhà sản xuất của Mỹ như Boeing và Lockheed Martin đặc biệt được hưởng lợi từ điều này vì hai công ty này có công nghệ quốc phòng hiện đại và có khả năng cung cấp ngay lập tức trong khi các công ty ở châu Âu cần thời gian để tăng cường năng lực và phát triển các hệ thống mới./.
Hợp đồng kéo dài nhiều năm này nhằm phát triển Tên lửa đánh chặn thế hệ tiếp theo (NGI), qua đó hiện đại hóa Hệ thống Phòng thủ tầm trung trên mặt đất (GMD) của Mỹ.