Trong tuyên bố đưa ra ngày 17/6, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Nam Sudan Nhial Deng Nhial cho biết, hai nhà lãnh đạo đã đạt được thỏa thuận trong cuộc họp thứ hai được tổ chức cùng ngày, sau cuộc họp thứ nhất được tổ chức vào ngày 14/6 nhằm giải quyết bế tắc.
Theo thỏa thuận đạt được, phe của Tổng thống Kiir sẽ nắm quyền lãnh đạo 6 tiểu bang, trong đó có bang Unity giàu dầu mỏ và bang Equatoria nơi đặt thủ đô Juba. Trong khi đó, phe của Phó Tổng thống Machar sẽ quản lý 3 bang, trong đó có Upper Nile - khu vực sản xuất dầu mỏ lớn nhất nước. Bang còn lại Jonglei sẽ do bên thứ 3 tham gia thỏa thuận là Liên minh đối lập Nam Sudan (SSOA) nhắm quyền kiểm soát. Thống đốc bang Jonglei sẽ do SSOA đề cử.
Ông Nhial cho rằng, đây là một bước tiến đáng kể, tạo động lực cho tiến trình hóa bình của đất nước. Đây vốn là một trong những vấn đề bất đồng chính ở Nam Sudan và là mối đe doạ lớn nhất đối với hoà bình của nước này kể từ khi Chính phủ đoàn kết được thành lập hồi tháng 2/2020. Theo thống kê của Liên hợp quốc, trong 3 tháng đầu năm, đụng độ giữa các cộng đồng sắc tộc tại Nam Sudan đã khiến 658 người thiệt mạng và 452 người bị thương.
Khi tách khỏi Sudan trở thành một quốc gia độc lập vào năm 2011, Nam Sudan có 10 bang như trong hiến pháp đã ghi. Sau đó, vào năm 2015, Tổng thống Kiir tách ra thành 28 bang, sau đó là 32 bang và hiện nay thu gọn lại thành 10 bang, cùng với 3 khu vực hành chính.
Bối cảnh nội chiến ở Nam Sudan kể từ khi giành độc lập đến nay đã khiến 400.000 người thiệt mạng, 12 triệu người (tương đương 1/3 dân số) phải dời bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Xung đột cũng khiến hơn 60% dân số nước này phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực./.Nam Sudan rơi vào nội chiến từ năm 2013, khi Tổng thống Salva Kiir cáo buộc cựu Phó Tổng thống Machar âm mưu đảo chính. Tháng 9/2018, các bên xung đột đã ký thoả thuận hoà bình để tiến tới thành lập chính phủ đoàn kết. Tuy nhiên, những bất đồng liên quan đến việc chia sẻ quyền lực đã cản trở việc thực thi thoả thuận này, buộc cộng đồng quốc tế phải nhiều lần gây áp lực cho các bên đối lập tại Nam Sudan.
Kiều Giang (theo Sudan Tribune, Aljazeera)