Ngày 2/12, Chính phủ chuyển tiếp của Burkina Faso và Niger đã tuyên bố rằng họ sẽ rút khỏi các tổ chức và cơ quan của G5 Sahel, bao gồm cả Lực lượng chung, kể từ ngày 29/11/2023.
Sự rút lui của Burkina Faso và Niger, hai quốc gia do các chính quyền quân sự kiểm soát, đang khiến tổ chức chống chủ nghĩa thánh chiến G5 Sahel có nguy cơ tan rã sau chín năm hoạt động.
Ra đời vào năm 2014, tổ chức này bao gồm năm quốc gia Mali, Burkina Faso, Niger, Mauritania và Cộng hòa Chad, được thành lập nhằm mục đích tập hợp năng lực và phương tiện để biến Sahel trở thành một khu vực an ninh và phát triển.
Tuy nhiên, trong tuyên bố chung đưa ra hôm 2/12, Ouagadougou và Niamey cho rằng những mục tiêu ban đầu của G5 Sahel đang bị cản trở bởi sự nặng nề về thể chế.
Tổ chức này đang bị thao túng phục vụ lợi ích nước ngoài nhưng lại gây bất lợi cho người dân Sahel cũng như phủ nhận quyền chủ quyền của các dân tộc và các quốc gia thành viên.
Bộ trưởng Schulze kêu gọi chính phủ các nước trong khu vực tạo cơ hội việc làm tốt hơn cho những người trẻ tuổi và triển khai mạnh mẽ các chính sách an sinh nhằm duy trì sự gắn kết xã hội.
Trước đó, vào tháng 5/2022, Mali, cũng nằm dưới sự quản lý của một chính quyền quân sự từ năm 2020, đã rời G5 Sahel với lý do tổ chức này đã bị bên ngoài công cụ hóa.
Tình hình an ninh xuống cấp khiến năm quốc gia kể trên thành lập G5 Sahel và triển khai lực lượng quân sự vào năm 2017 khi sự kiểm soát của các chiến binh thánh chiến ngày càng siết chặt xung quanh các quốc gia này.
Được tài trợ phần lớn bởi Liên minh châu Âu, lực lượng này trong mắt các đối tác quốc tế ở Sahel là giải pháp có thể giúp khu vực thoát khỏi bạo lực thánh chiến. Tuy nhiên, số lượng các hoạt động chung vẫn còn ít và tình hình an ninh ở Sahel đang tiếp tục xấu đi.
Các chế độ quân sự của Mali, Niger và Burkina Faso, những quốc gia Sahel bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi bạo lực thánh chiến và có mối quan hệ lâu đời với Pháp, đã cùng nhau thành lập Liên minh Các Quốc gia Sahel (AES) nhằm thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn và hỗ trợ phòng thủ lẫn nhau trong trường hợp chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của một thành viên bị đe dọa.
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của ba nước đã đề xuất vào tối 1/12 về việc thành lập một liên minh, với tham vọng cuối cùng là đạt được một liên bang.
Các ngoại trưởng Burkina Faso, Mali và Niger cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao, quốc phòng và phát triển đối với tiến trình “củng cố hội nhập chính trị và kinh tế” giữa ba nước./.