Hiệp định nhằm mục tiêu loại bỏ thuế quan đối với các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp trong khối gồm 11 quốc gia mà tổng kim ngạch thương mại đạt 356,3 tỷ USD năm ngoái.
Sự thỏa hiệp trong tuần này giúp các quốc gia thành viên khỏi phải đàm phán lại hiệp định thương mại đầy tham vọng để đáp ứng việc Chính phủ New Zealand yêu cầu phải có biện pháp vững chắc nhằm kiềm chế giá nhà đất.
Điều đó cũng giúp các nước thành viên tiến gần hơn tới thắng lợi quan trọng về ủng hộ tự do thương mại, dự kiến hiệp định sẽ chốt lại chung cuộc tại hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào tuần tới tại Đà Nẵng.
"Chúng tôi đã có thể thúc đẩy cuộc thảo luận về những quy định cần được gác lại", báo Nikkei dẫn lời ông Kuzuyoshi Umemoto, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật, phát biểu trước báo giới ngày 1/11 sau 3 ngày đàm phán ở Urayasu, thành phố gần Tokyo.
Mỹ đã nhượng bộ khá nhiều khi đàm phán TPP trước đây. Tuy nhiên, sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi hiệp định này, 11 nước còn lại phải tích cực họp bàn để đạt một thỏa thuận mới vào tháng 11. Nhưng trước hết, họ phải quyết định những phương diện nào của hiệp định ban đầu cần được đóng băng, trước khi Mỹ quay trở lại.
Trước đó, họ vẫn thảo luận về ngừng thực thi các điều khoản từ 50 phần của hiệp định, thuộc 3 lĩnh vực pháp lý, quyền sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực khác. Dù không tiết lộ các nhà đàm phán đã đồng ý ngừng thực hiện bao nhiêu điều khoản, ông Umemoto thừa nhận "đã đạt sự thống nhất" về việc đóng băng một số.
Các nước cũng đã rút lại một số yêu cầu đình chỉ trước đây. New Zealand cũng chấp thuận không bắt các nước TPP đàm phán lại hiệp định để nước này thực hiện kế hoạch kiềm chế nhà đầu tư ngoại mua bất động sản.
Bộ trưởng thương mại các nước TPP-11 sẽ tiếp tục đàm phán tại hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam vào tuần tới. Sau đó, trong một cuộc gặp thượng đỉnh bên lề APEC, lãnh đạo 11 nước sẽ quyết định có đạt một thỏa thuận về TPP hay không.
Nhật Bản – quốc gia tích cực nhất trong việc thúc đẩy TPP sau khi Mỹ rời đi – được dự kiến tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt cuộc nói chuyện cấp bộ trưởng tại Việt Nam. Nước này sẽ sắp xếp các cuộc thảo luận song phương giữa các thành viên, nhằm thu hẹp khoảng cách và giữ nguyên chuẩn mực cao cho TPP.
"Khiến TPP-11 có hiệu lực không chỉ giúp chúng ta có một hệ thống thương mại cởi mở, tự do tại Thái Bình Dương, mà còn gửi thông điệp mạnh mẽ đến Mỹ, thuyết phục họ quay lại", ông Uemoto cho biết.
An Bình (tổng hợp)