Trong các ngày 3-4/7, thủ đô Astana của Kazakhstan trải thảm đỏ đón lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), các nước quan sát và các đối tác đối thoại tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO Plus, được đánh giá là quan trọng, có ý nghĩa sâu rộng đối với các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng tại không gian Á-Âu do xung đột tại Ukraine và sự cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc, các tổ chức hợp tác như Nhóm các nước đang phát triển hàng đầu BRICS và SCO đang nổi lên như những đối trọng giúp cân bằng các mối quan hệ khu vực và thế giới, cũng như tạo ra các động lực mới cho một môi trường an ninh ổn định, tiến tới thịnh vượng về kinh tế.
Đó cũng là lý do các tổ chức này trong vài năm qua liên tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của nhiều quốc gia có sự khác biệt rất lớn về tiềm năng quân sự, kinh tế, nhân khẩu học và cả năng lượng.
Nếu BRICS là tổ chức thiên về kinh tế thì SCO là tổ chức thiên về an ninh, tuy nhiên nhìn chung, với sự hiện diện của những “người chơi” lớn là Liên bang Nga và Trung Quốc, các tổ chức này đang định hình một thế giới đa cực mới, hình thành sự hợp tác của đa số các nước trên thế giới và cả hai tổ chức này đều đang có tương lai phát triển mạnh mẽ.
Trong năm Liên bang Nga giữ chức Chủ tịch luân phiên BRICS, nước này đã nỗ lực tận dụng những khả năng của mình để thiết lập Không gian Đại Á-Âu, bắt đầu từ an ninh để tiến tới sự ổn định và thịnh vượng.
Và trong bối cảnh hiện nay, đương nhiên không gian an ninh Á-Âu cần được xây dựng trên những nguyên tắc hợp tác ở châu Á rồi mới có thể tiến tới bao trùm phần châu Âu.
Không hề là ngẫu nhiên khi Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thăm chính thức Kazakhstan đồng thời phát biểu tại phiên họp SCO Plus ngày 4/7.
Đại diện của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh.
Hội nghị còn có sự tham gia của Tổng thống Belarus Aleksander Lukashenko, nước sẽ trở thành thành viên chính thức của SCO tại sự kiện này, cùng lãnh đạo các nước Mông Cổ, Azerbaijan, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Turkmenistan với tư cách quan sát viên và đối tác đối thoại.
Các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Hội nghị về các biện pháp hợp tác và xây dựng lòng tin ở châu Á, Tổ chức An ninh lương thực Hồi giáo, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO), Ủy ban Kinh tế Á-Âu đều cử đại diện cấp cao tham dự.
Chương trình nghị sự chính của Hội nghị thượng đỉnh tại Astana là “Tăng cường đối thoại đa phương: Theo đuổi hòa bình và phát triển bền vững,” qua đó tăng cường vai trò của SCO trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay.
Các nhà lãnh đạo dự kiến tập trung chủ yếu vào thương mại quốc tế và kinh tế để đảm bảo sự ổn định, an ninh khu vực, cơ sở hạ tầng, năng lượng, môi trường, y tế, du lịch, giáo dục, số hóa.
Cờ các nước tại trụ sở của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo kế hoạch, hội nghị sẽ thông qua hơn 20 văn kiện thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm Tuyên bố Astana, phản ánh quan điểm của SCO về các vấn đề quốc tế và khu vực hiện nay cũng như các nghiên cứu triển vọng, “Chiến lược phát triển SCO đến năm 2035,” “Chiến lược phát triển hợp tác năng lượng SCO đến năm 2030,” “Chương trình hợp tác chống khủng bố, chủ nghĩa ly khai và cực đoan giai đoạn 2025-2027” và “Chiến lược phòng chống ma túy của SCO giai đoạn 2024-2029."
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng thống nước chủ nhà Kassym-Jomart Tokayev cho biết đất nước ông tuân thủ nguyên tắc an ninh Á-Âu là không thể chia cắt và cách tiếp cận này sẽ trở thành nền tảng trong nhiệm vụ chiến lược là hình thành vành đai an ninh dọc theo chu vi của SCO.
Tổng thống Tokayev cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng các quyết định quan trọng mang tính chiến lược được đưa ra trong lĩnh vực cải thiện hơn nữa SCO. Các lĩnh vực hợp tác chính trong trung hạn sẽ được xác định và các sáng kiến sẽ được phát triển để ứng phó đầy đủ và kịp thời với những thách thức và mối đe dọa hiện tại.”
Theo Tổng thống Tokayev, các quyết định cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh sẽ thể hiện đầy đủ những nguyên tắc cơ bản của “tinh thần Thượng Hải” đó là hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi và quan tâm đến lợi ích của nhau.
Ông nói thêm: “Những người tham gia hội nghị thượng đỉnh Astana sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế bắt đầu một cuộc đối thoại toàn cầu trung thực và cởi mở, chấp nhận mô hình an ninh mới, tạo ra một môi trường kinh tế công bằng và thực hiện những nỗ lực cần thiết để bảo vệ sự trong sạch của hành tinh."
Củng cố an ninh trong không gian Á-Âu cũng là mục tiêu được Nga thúc đẩy. Trong cuộc họp với các quan chức ngoại giao giữa tháng Sáu vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định trong bối cảnh thế giới đang trở nên đa cực, Nga cần thiết lập hệ thống an ninh ở khu vực Á-Âu theo hướng mở cửa cho tất cả các nước, kể cả các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), để xây dựng một không gian Đại Á-Âu vì an ninh và thịnh vượng.
Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết các thành viên SCO có mong muốn chung là phối hợp các hoạt động của tổ chức tại Liên hợp quốc và trên khắp không gian Á-Âu thông qua các tổ chức như Liên minh Kinh tế A-Âu (EAEU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và BRICS.
Theo Ngoại trưởng Nga, việc mở rộng quan hệ với các nước sẽ không chỉ tăng cường hợp tác chính trị của SCO mà còn cho phép mở rộng quan hệ đối tác kinh tế.
Một chủ đề được quan tâm tại hội nghị là việc xây dựng các hành lang giao thông xuyên Á-Âu, trong đó có dự án đường sắt Trung Quốc-Kyrgyzstan-Uzbekistan vừa được 3 nước ký kết.
Tuyến đường sắt này bắt nguồn từ Kashgar thuộc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương (Tây Bắc Trung Quốc), sẽ đến Uzbekistan qua Kyrgyzstan và trong tương lai, có thể vươn tới Tây và Nam Á, trở thành tuyến đường sắt xuyên Á.
Nga cũng tiếp tục thúc đẩy các dự án như hành lang vận tải Bắc-Nam toàn cầu, sẽ trở thành giải pháp thay thế thực sự cho việc vận chuyển hàng hóa theo hướng châu Âu.
Hàng hóa từ Nga và các nước đối tác có thể đến các cảng của Ấn Độ và các nước vùng Vịnh Persic, bỏ qua cơ sở hạ tầng của châu Âu.
Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam là dự án do Nga, Iran và Ấn Độ khởi xướng từ hơn 20 năm trước, đã được hồi sinh từ năm ngoái, liên kết các tuyến đường sắt nối Nga, Iran, Azerbaijan và Ấn Độ.
Có thể thấy những thay đổi địa chính trị đương đại đã và đang ảnh hưởng đến SCO, một tổ chức toàn cầu có tổng diện tích của các quốc gia thành viên chiếm hơn 60% lục địa Á-Âu.
Chính vì vậy, SCO đang mang trong mình nền tảng của một trong những trụ cột cơ bản trong quan hệ quốc tế đương đại và có triển vọng phát triển mạnh.
Điều mấu chốt là SCO và các đối tác phải xây dựng được chiến lược an ninh thống nhất để hiện thực hóa tham vọng trở thành nhân tố đảm bảo an ninh trong không gian Á-Âu./.
Các nước thành viên SCO ủng hộ cải thiện và cải cách cấu trúc quản trị kinh tế toàn cầu, cam kết bảo vệ và củng cố hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, công bằng, toàn diện và không phân biệt.