Văn phòng điều phối nhân đạo Liên hợp quốc (OCHA) ngày 30/9 cho biết, tình hình kinh tế tồi tệ ở Sudan do lạm phát tăng cao, cùng với tình trạng kém phát triển và nghèo đói triền miên, các thảm họa thiên nhiên, dịch bệnh bùng phát, bạo lực, xung đột đã làm gia tăng các nhu cầu nhân đạo.
Kinh tế khó khăn là nguyên nhân khiến biểu tình bùng phát vào tháng 12/2018, dẫn tới việc nhà lãnh đạo Omar al-Bashir bị phế truất. Năm nay, nền kinh tế Sudan càng trở nên khó khăn do các trận lụt ảnh hưởng đến 860.000 người. Tháng 9 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU), một số quốc gia thành viên và Ngân hàng Thế giới (WB) đã ký thoả thuận hỗ trợ tài chính trực tiếp trị giá gần 190 triệu USD cho các gia đình nghèo ở Sudan.Theo Cục Thống kê trung ương của Sudan, lạm phát ở nước này đã lên tới 170% trong tháng 8 vừa qua. OHCA nhận định, chính lạm phát đã đẩy chi phí thực phẩm cơ bản, ví dụ như cao lương lên hơn 240% so với năm trước và hơn 680% so với mức trung bình của 5 năm qua.
“Giá cả trung bình của các loại thực phẩm địa phương đã tăng gần 200% so với năm 2019 và chi phí các dịch vụ y tế đã tăng 90% trong năm 2020”, theo số liệu của Chương trình Lương thực Thế giới.
Bên cạnh đó, đồng bảng Sudan đang mất giá mạnh, làm suy yếu sức mua và khả năng tự trang trải cuộc sống của các gia đình. Hơn 9,6 triệu người dân phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong giai đoạn kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9. Tình trạng thiếu nhiên liệu cũng ảnh hưởng đến việc vận chuyển và phân phối hàng viện trợ, có nguy cơ khiến số người nhận được trợ giúp giảm đi.
Trước đó, trong cuộc họp báo ngày 10/9 với sự tham gia của một số bộ trưởng và các quan chức an ninh cấp cao, Bộ trưởng Tài chính Heba Mohamed Ali đã tuyên bố “tình trạng kinh tế khẩn cấp và thành lập các tòa án khẩn cấp”.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh đồng nội tệ của Sudan đã sụt giảm kỷ lục trên thị trường “chợ đen”. Đồng đô la được bán với giá trên 260 đồng bảng Sudan, khiến nhiều thương nhân cho biết sẽ dừng việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong các giao dịch của họ.
Tại Sudan, Chính phủ chuyến tiếp hiện đang nắm quyền điều hành đất nước kể từ khi cựu Tổng thống Omar al-Bashir bị lật đổ hồi năm ngoái. Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ chuyển tiếp sẽ thành lập các tòa án đặc biệt trong những ngày tới để đối phó với hành vi buôn lậu và các hoạt động bất hợp pháp khác đang hủy hoại nền kinh tế.
Dưới thời cựu Tổng thống al-Bashir, Sudan đã cố gắng trấn áp các thương nhân “chợ đen” bằng cách bắt giữ một số gian thương. Đồng nội tệ Sudan đã mất giá 4 lần kể từ năm 2018. Ước tính, tỷ lệ lạm phát tại Sudan chỉ đứng sau Venezuela, khi đã tăng từ 136,36% trong tháng 6 lên 143,78% trong tháng 7 vừa qua.
Lực lượng an ninh Sudan hiện cũng đẩy mạnh kiểm soát tại biên giới và các sân bay nhằm ngăn chặn hành vi buôn lậu các mặt hàng như vàng./.
Kiều Giang (theo Business Recorder, Sudan Tribune)