Brazil vượt Ấn Độ thành tâm dịch lớn thứ 2 thế giới 

(Chinhphu.vn) – Brazil đã vượt Ấn Độ trở thành tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới với tổng cộng trên 11,4 triệu người nhiễm bệnh và hơn 278.000 trường hợp tử vong.
Brazil vượt Ấn Độ thành tâm dịch lớn thứ 2 thế giới
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 15/3 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 120.407.530 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.664.963 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 96.956.326 người.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm Brazil (44.120 ca), Mỹ (33.387 ca) và Pháp (26.343 ca). Brazil cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.013 ca), tiếp theo là Mexico (639 ca) và Mỹ (584 ca)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 547.234 ca tử vong trong tổng số 30.081.657 ca nhiễm. Với 11.483.370 ca nhiễm và 278.327 ca tử vong, Brazil đã vượt Ấn Độ trở thành tâm dịch lớn thứ 2 thế giới. Ấn Độ hiện ghi nhận 11.385.158 ca nhiễm và 158.762 ca tử vong.

Tính theo tỉ lệ dân số, Cộng hòa Czech là quốc gia có tỉ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 217 người tử vong. Tiếp đến là Bỉ với 193 người và Slovenia 189 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 36 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 856.200 ca tử vong.

Ngày 14/3, Nga, quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ 4 thế giới, ghi nhận thêm hơn 10.000 ca mắc mới, tăng mạnh sau gần 1 tuần có số trường hợp nhiễm mới giảm. Đáng chú ý, số ca nhiễm tại thủ đô Moscow đã vượt 1 triệu ca trong ngày 14/3. Con số tổng thể là cao, nhưng trên thực tế số ca nhiễm tại thủ đô của Nga đã giảm dần kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà từ tháng 12/2020. Do đó, nhiều hạn chế đã được nới lỏng hoặc dỡ bỏ tại Moscow. Hiện Nga ghi nhận trên 4,3 triệu ca mắc và hơn 92.000 trường hợp thiệt mạng.

Còn tại Pháp, Chính phủ nước này cho biết có kế hoạch sơ tán khoảng 100 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi các khoa hồi sức tích cực ở khu vực Paris trong tuần này do các bệnh viện tại đây đang nỗ lực để đối phó với các ca nhiễm mới gia tăng đột biến. Thông qua việc chuyển các bệnh nhân nặng tới các vùng ít phải chịu sức ép dịch bệnh hơn, nhà chức trách hy vọng sẽ tránh được nguy cơ phải áp đặt biện pháp phong tỏa đối với khoảng 12 triệu người xung quanh khu vực thủ đô. Trong số gần 4.100 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được chăm sóc tích cực trên toàn quốc, có tới khoảng 1.100 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện ở khu vực thủ đô Paris. 

Lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 18h vẫn đang được duy trì trên toàn nước Pháp, trong khi các nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim, nhà hát và các trung tâm thương mại lớn đã phải đóng cửa. Số ca nhiễm mới tại Pháp đã tăng dần trong những tuần gần đây. Tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 4.071.662 và 90.429.

Số ca nhiễm mới tại Italy trong tuần trước đã tăng thêm 10% so với tuần trước đó. Italy cho biết, nước này đặt mục tiêu đến cuối tháng 9 năm nay sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 80% dân số. Theo giới chức Italy, nước này sẽ tiêm ở mức tối đa công suất với 500.000 liều mỗi ngày. Để thực hiện mục tiêu tiêm chủng, ngoài các cơ sở y tế, Italy sẽ sử dụng các doanh trại quân đội, xưởng sản xuất, siêu thị bán lẻ, trung tâm tập gym, trường học và các cơ sở của nhà thờ làm địa điểm triển khai tiêm chủng.

Tại châu Á, giới chức y tế tại tỉnh Quảng Đông (miền Nam Trung Quốc) đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên tại Nigeria trong các ca bệnh mới không biểu hiện triệu chứng nhập cảnh tại tỉnh này. Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tỉnh Quảng Đông đưa ra thông báo trên vào ngày 14/3, trong đó lưu ý rằng biến thể này đã lây lan sang hơn 20 quốc gia. Dựa trên những nghiên cứu trước đây, biến thể này có khả năng lây lan nhanh và dễ làm vô hiệu hóa kháng thể, qua đó dễ dẫn tới khả năng tái nhiễm ở những người từng mắc COVID-19. Hiện Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh tỉnh Quảng Đông đang tiến hành phân lập thêm biến thể virus này.

Tại Philippines đã xuất hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể mới từ Brazil. Bộ Y tế nước này cũng xác nhận là có cả biến thể nội địa. Các chuyên gia cho rằng, tình hình lây lan ở Philippines vẫn đang phức tạp vì người dân lơ là các biện pháp phòng dịch. Thủ đô Manila đã buộc phải áp đặt lệnh phong tỏa và giới nghiêm 2 tuần tại một số khu vực bắt đầu từ ngày 15/3. Philippines trong ngày 14/3 đã ghi nhận khoảng 4.900 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm của nước này lên gần 621.500 trường hợp. 

Hàn Quốc cũng có số ca nhiễm mới trong ngày 14/3 ở mức cao nhất trong gần 1 tháng với 459 trường hợp. Trong 5 ngày liên tiếp, nước này có hơn 400 ca nhiễm mới mỗi ngày. Chính phủ Hàn Quốc sẽ ra lệnh gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội. Hiện Hàn Quốc có hơn 95.600 ca nhiễm, gần 70% trong số này là từ khu vực Seoul và lân cận.

Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 320 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được phân bổ và tiêm tại hơn 100 quốc gia. Tuy nhiên, hơn 80% số lượng vaccine đã được dùng chỉ tại 10 quốc gia. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine đang trầm trọng hơn và không khó để thấy danh sách ưu tiên cho vaccine không công bằng ở mọi cấp độ.

BT
128 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1052
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1052
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87131863