Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ, ngày 2/12, Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello cho biết nước này sẽ tiếp nhận từ đầu tháng 1 tới đây khoảng 15 triệu liều vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên do trường đại học Oxford và phòng thí nghiệm AstraZeneca nghiên cứu và bào chế.
Theo báo cáo của ông Pazuello trước Quốc hội Brazil, dự kiến số lượng vắcxin mà nước này sẽ nhận được trong quí 1/2021 vào khoảng 100 triệu liều và với việc chuyển giao công nghệ vào quí 2/2021 thì Quỹ Oswaldo Cruz ở Rio de Janeiro (Fiocruz) có thể sản xuất được thêm 160 triệu liều nữa.
Như vậy, đến cuối năm 2021 Brazil sẽ có ít nhất 260 triệu liều vắcxin để phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng đại trà, theo đó mỗi người dân sẽ phải tiêm chủng ít nhất hai mũi.
Vắcxin ngừa COVID-19 của Oxford và AstraZeneca là loại duy nhất mà chính phủ liên bang Brazil đã chính thức đạt được thỏa thuận, mặc dù nước này cũng nằm trong liên minh Covax Facility của Tổ chức Y tế Thế giới với sự tham gia của 10 nhà sản xuất vắcxin lớn trên thế giới và theo đó Brazil có cơ hội mua và tiếp nhận khoảng 42 triệu liều.
[Anh dự kiến bắt đầu tiêm vắcxin của BioNTech và Pfizer từ ngày 7/12]
Hiện nay Brazil vẫn chưa có bất kỳ loại vắcxin ngừa COVID-19 nào được đăng ký chính thức với Cơ quan Giám sát Dịch tễ Quốc gia (Anvisa) song mục đích của chính phủ nước này là tiếp nhận vắcxin trong thời gian sớm nhất có thể để khi nào cơ quan này “bật đèn xanh” là triển khai ngay chương trình tiêm chủng.
Trong khi chính phủ liên bang đã đạt thỏa thuận với Oxford-AstraZeneca và tham gia vào liên minh Covax thì chính quyền các địa phương cũng đang đàm phán với các nhà sản xuất vắcxin khác trên thế giới. Cụ thể, bang Sao Paulo thỏa thuận với phòng thí nghiệm Sinovac của Trung Quốc, còn bang Bahia và Parana lại đang hướng tới loại vắcxin Sputnik V của Nga./.
(TTXVN/Vietnam+)