Một phần kết quả nghiên cứu được công bố ngày 20/6 cho biết việc bảo vệ rừng nhiệt đới Amazon và biến khu rừng này thành động lực tăng trưởng kinh tế bền vững hơn là khai thác tài nguyên rừng sẽ đem lại lợi nhuận hàng tỷ USD cho Brazil trong những thập kỷ tới.
Bằng việc mở rộng các ngành công nghiệp bền vững và chuyển đổi thành nền nông nghiệp phát thải carbon thấp, khu vực rừng Amazon có thể đóng vai trò dẫn đầu trong việc đưa Brazil trở thành một quốc gia "đầu tàu" trong khu vực về phát triển kinh tế xanh, bổ sung cho nền kinh tế quốc gia nguồn thu trị giá khoảng 40 tỷ real (khoảng 8,4 tỷ USD) từ nay cho đến năm 2050.
Nghiên cứu trên nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa nhóm hoạt động môi trường của Viện Tài nguyên Thế giới có văn phòng ở Brazil và một cơ quan nghiên cứu về kinh tế và khí hậu mang tên "Global Commission on the Economy and Climate" (Uỷ ban toàn cầu về kinh tế và khí hậu).
Nghiên cứu của họ đã lập ra một số mô hình phát triển kinh tế trong tương lai đối với khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này, từ mô hình kinh doanh thông thường đến mô hình không phá rừng và tăng trưởng xanh.
[Một phần ba rừng Amazon suy thoái do hoạt động của con người, hạn hán]
Ngoài việc bảo vệ "lá phổi xanh" của hành tinh, các mô hình kinh tế này còn giúp tạo khoảng 312.000 công ăn việc làm trong 3 thập kỷ tới.
Tuy nhiên, để triển khai những mô hình như vậy và đạt được mục tiêu cuối cùng là biến khu vực rừng Amazon thành một nền kinh tế năng suất cao, giá trị cao và khả năng tạo việc làm cao, cần một khoản đầu tư trị giá khoảng 2,56 nghìn tỷ real từ nay đến năm 2050. Nếu không, cái giá phải trả sẽ có thể nhiều hơn gấp đôi con số đó khi tính đến những tác động của biến đổi khí hậu và những sự kiện khí hậu cực đoan.
Với diện tích khoảng 7 triệu km2, rừng Amazon có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải CO2.
Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí ôxy trên Trái Đất, là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu thổ dân thuộc 500 bộ lạc và nơi trú ngụ của hơn 3 triệu loài động, thực vật khác nhau./.
Nguyễn Hà (TTXVN/Vietnam+)