Bội chi quỹ bảo hiểm y tế và có hay không dấu hiệu trục lợi?  

(QT) - Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 đơn vị đã tiếp nhận 75,9 triệu hồ sơ, tăng 9,5 triệu lượt khám chữa bệnh với số tiền đề nghị thanh toán trên 39.304 tỷ đồng, tăng trên 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt tiền chi khám bệnh và tiền giường tại các bệnh viện trên toàn quốc đã tăng từ 740,7 tỷ đồng lên 9.214 tỷ đồng.

Chi phí khám chữa bệnh tăng đột biến và bội chi quỹ BHYT

Quảng Trị là địa phương bội chi quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) đứng thứ 2 toàn quốc và đứng thứ 3 trên cả nước về tốc độ gia tăng khám chữa bệnh (KCB) so với cùng kỳ năm 2016. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2017, quỹ KCB BHYT giao 179/386 tỷ đồng nhưng tỉnh Quảng Trị đã chi 342 tỷ đồng, vượt 163 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 90% quỹ KCB BHYT sử dụng năm 2017. Nếu so với tỉnh lân cận như Quảng Bình, tốc độ gia tăng KCB BHYT là 43% thì Quảng Trị tăng 82%, trong khi đó toàn quốc là 30%. Và tính theo tỷ lệ sử dụng quỹ ở Quảng Bình là 63% thì Quảng Trị tăng 90% và bình quân toàn quốc là 59%.

Theo tìm hiểu của chúng tôi về nguyên nhân khách quan của tình trạng bội chi BHYT là do thay đổi giá viện phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 37 ngày 29/10/2015 của liên Bộ Y tế-Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và một số quyền lợi mở rộng theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Do đó, một số cơ quan KCB BHYT đã tận dụng triệt để các chính sách mới này làm gia tăng chi phí KCB, đặc biệt là KCB có BHYT.

 

Tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đón tiếp ngày càng nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh

Qua rà soát số liệu từ năm 2012 đến năm 2015 (trước thời điểm tăng giá viện phí) thì tần suất vào điều trị nội trú của đối tượng tham gia BHYT từ 0,16-0,17 lượt điều trị nội trú/thẻ BHYT/ năm nhưng sau khi có giá viện phí mới theo Thông thư liên tịch số 37 (trước đây bình quân từ 21.000-50.000 đồng/giường nay tăng lên từ 150.000-200.000 đồng/giường) thì tần suất vào điều trị nội trú tăng đột biến 0,23 lượt/thẻ BHYT/năm so với 0,2% năm 2016. Theo tính toán của BHXH tỉnh xác định việc chi phí tăng giá viện phí 6 tháng đầu năm 2017 là 102,8 tỷ đồng, tuy nhiên có 26,2 tỷ đồng tăng giá viện phí nằm trong các nguyên nhân chủ quan trên còn là 76,6 tỷ đồng là chưa hợp lý.

Ngoài ra việc gia tăng chỉ định vào điều trị nội trú, kéo dài thời gian nằm viện, chỉ định rộng rãi dịch vụ kỹ thuật và cung ứng thuốc thay đổi chưa thực sự hợp lý đã làm gia tăng chi phí KCB BHYT 6 tháng đầu năm là 72,2 tỷ đồng (chiếm hơn 50% so với chi phí KCB BHYT 6 tháng đầu năm 2016). Ông Hồ Sỹ Nam, Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Trị cho biết, trước hết do tình hình kê thêm tràn lan giường bệnh diễn ra hầu hết ở các cơ sở KCB BHYT trên toàn tỉnh. Qua khảo sát tại 13 cơ sở KCB BHYT đã có tình trạng kê thêm 1.600 giường bệnh, nâng tổng số giường bệnh thực kê tại 13 cơ sở này lên 3.300 giường bệnh so với số lượng giường cấp có thẩm quyền giao là 1.700 giường bệnh (gấp đôi so với giường kế hoạch).

Tình trạng kê thêm giường dẫn đến chỉ định rộng rãi bệnh nhân vào điều trị nội trú trong khi khả năng phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ không kham nổi, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Và theo quy định với mức giá giường bệnh 300.000 đồng/ngày/bệnh nhân thì diện tích phải 5m2 /giường/phòng điều hòa. Thời gian điều trị nội trú cũng kéo dài hơn mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và trình độ chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ trên địa bàn được nâng cao đáng lẽ phải rút ngắn thời gian nằm viện của bệnh nhân.

Đơn cử như ngày điều trị bình quân tại các bệnh viện chuyên khoa lao toàn quốc là 17,2 ngày thì ở Quảng Trị số ngày bệnh nhân điều trị nội trú bình quân từ 25 đến 35 ngày. Từ năm 2012 đến 2015 ngày điều trị bình quân chung toàn tỉnh luôn ổn định trong khoảng 6,36 ngày/đợt điều trị nội trú. Tuy nhiên kể từ khi tăng giá viện phí thì ngày điều trị có xu hướng kéo dài hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2017 ngày điều trị nội trú là 79.820 ngày. Việc kê thêm giường bệnh tăng đối tượng tham gia BHYT từ năm 2015 đến nay là 12,9%, bệnh nhân vào điều trị nội trú tăng 31,5%, số tiền điều trị nội trú tăng 25,5 tỷ đồng. Chi phí kéo thêm ngày điều trị 31,6 tỷ đồng, số tiền gia tăng dịch vụ kỹ thuật chỉ định rộng rãi 5,3 tỷ đồng...

Chính sách hỗ trợ tiền ăn 35.000 đồng/ngày là rất tốt đối với người nghèo nhưng thực tế hiện nay chính sách hỗ trợ tiền ăn là một trong những yếu tố làm tăng chi phí nội trú, tăng thêm bội chi quỹ BHYT. Việc thay đổi bệnh viện từ hạng 2 lên hạng 1, hạng 3 lên hạng 2 cũng ảnh hưởng khách quan và làm gia tăng chi phí KCB BHYT trên 5 tỷ đồng. Mặt khác, có không ít trường hợp kê đơn thuốc biệt dược đắt tiền một cách không cần thiết nên đã tăng chi phí khám chữa bệnh.

Việc chỉ định dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng, chỉ định rộng rãi dịch vụ kỹ thuật đông y, phục hồi chức năng (giá viện phí mới tăng rất cao) có xu hướng gia tăng; nhiều trường hợp chỉ định mang tính chất tầm kiểm soát và chưa phù hợp với quy định như: Chỉ định chụp Citi Scanner, chụp động mạch vành, xét nghiệm kiểm soát đường huyết HbA1c…chưa phù hợp với chẩn đoán và các văn bản quy định; chỉ định rộng rãi dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng như Ure, creatinin máu (chức năng thận), SGOT,SGPT (chức năng gan), Bilan Lipid (mở máu), điện tâm đồ.

Ngoài ra còn phải kể đến việc xây dựng và cung ứng thuốc không ổn định giữa các năm đã làm gia tăng chi phí thuốc. Ví dụ năm 2015 xây dựng thuốc Cephalecine 0,5g chủ yếu là nhóm 3 là thuốc Việt Nam đạt GMP-WHO nhưng năm 2016 xây dụng thuốc này dịch chuyển sang nhóm 2 hoặc nhóm 1 có giá thành cao hơn. Hoặc thời gian gần đây có xu hướng xây dựng thuốc biệt dược gốc đắt tiền mà trước đây chưa hoặc ít sử dụng. Do đó tỷ lệ gia tăng thuốc 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước là 152,6%”.

 

(Còn nữa)

Hồ Nguyên Kha

 

 

792 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 646
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 646
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77930879