Bộ Y tế Canada khẳng định lợi ích của vaccine Johnson & Johnson 

Canada cho biết đã hợp tác chặt chẽ với nhà sản xuất Janssen Pharmaceuticals và các cơ quan quản lý quốc tế khác để đánh giá bằng chứng mới nhất trước khi sử dụng vaccine này cho người dân Canada.
Bộ Y tế Canada khẳng định lợi ích của vaccine Johnson & Johnson

Ngày 26/4,  Bộ Y tế Canada cho biết trên nhãn mác của vaccine phòng COVID-19 của Johnson & Johnson (J&J) đã cập nhật thông tin về tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm vaccine này, trong đó có nguy cơ đông máu.

Bộ này cũng nhắc lại lợi ích của vaccine J&J trong phòng ngừa COVID-19.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, Bộ Y tế nước này cho biết đã hợp tác chặt chẽ với nhà sản xuất Janssen Pharmaceuticals và các cơ quan quản lý quốc tế khác để đánh giá những bằng chứng mới nhất trước khi sử dụng vaccine này cho người dân Canada.

[EMA: Huyết khối là phản ứng hiếm gặp sau tiêm vaccine Johnson&Johnson]

Thông tin trên nhãn mác của vaccine J&J đã được cập nhật để người dân Canada biết về “dấu hiệu và triệu chứng” của các tác dụng phụ có thể xảy ra sau khi tiêm.

Trong một cảnh báo trên trang web của mình, Bộ Y tế Canada cho biết những trường hợp xuất hiện huyết khối kết hợp với giảm tiểu cầu, trong một số ca kèm theo chảy máu, hiếm khi xảy ra sau khi tiêm vaccine J&J.

Bộ Y tế Canada khẳng định lợi ích của vaccine vẫn vượt trội hơn những nguy cơ tiềm ẩn "rất hiếm gặp này."

Bộ Y tế Canada cho hay sẽ tiếp tục thông báo đến người dân về mọi vấn đề an toàn của tất cả các loại vaccine phòng COVID-19 và sẽ “hành động ngay lập tức” trong trường hợp cần thiết.

Vài ngày trước đó, giới chức y tế Mỹ đã dỡ bỏ lệnh tạm dừng 10 ngày đối với vaccine J&J, sau khi có báo cáo về biến chứng đông máu hiếm gặp khi tiêm vaccine này.

Bộ trưởng phụ trách mua sắm và dịch vụ công của Canada, Anita Anand, cho hay Canada hiện vẫn chưa nhận được một liều vaccine nào của J&J.

Tuy nhiên, dự kiến 300.000 liều sẽ đến nước này vào khoảng cuối tuần này và chính quyền liên bang sẽ phân bổ cho các tỉnh và vùng lãnh thổ trong tuần đầu tiên của tháng Năm.

Tính đến ngày 26/4, ít nhất 1.007.645 người tại Canada đã được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19, tương đương khoảng 2,7% dân số nước này.

Trong Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7), Mỹ vươn lên dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng với 68,37 liều/100 dân, trong khi Canada xếp thứ ba, với 31,91 liều/100 dân.

Cùng ngày, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ hỗ trợ hàng triệu liều vaccine AstraZeneca cho các quốc gia khác do áp lực từ các nhà lập pháp và chuyên gia về lĩnh vực này.

Mỹ hiện có sẵn hàng triệu liều vaccine AstraZeneca dù chưa cấp phép sử dụng loại vaccine này.

Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng về phản ứng với đại dịch COVID-19 Andy Slavitt cho biết Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ 60 triệu liều AstraZeneca cho các quốc gia khác.

Trong khi đó, điều phối viên về COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cũng nhấn mạnh rằng Mỹ đang thúc đẩy sản xuất nhiều loại vaccine, trong đó một số loại đã được Cơ quan dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép.

Với việc vaccine AstraZeneca chưa được cấp phép sử dụng ở Mỹ, chính quyền Mỹ có thể không cần sử dụng vaccine này ở trong nước trong nhiều tháng tới.

Do đó, Mỹ đang xem xét các lựa chọn để chia sẻ vaccine AstraZeneca với các quốc gia khác./.

Hương Giang-Đại Thắng (TTXVN/Vietnam+)
179 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 518
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 518
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88309762