Sáng 19/3, tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga nêu vấn đề đang được dư luận quan tâm: Đối với dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), hiện Chính phủ trình phương án đánh thuế thu nhập cá nhân 45% đối với tài sản bất minh. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19/3. (Ảnh: TH).
Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Lê Thị Nga, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận đây là một dự án luật rất khó. Hiện Chính phủ đã thống nhất trình dự án luật với quy định đánh thuế 45% đối với tài sản bất minh. Dự án luật theo kế hoạch sẽ xem xét đưa ra tại kỳ họp Quốc hội sắp tới nhưng còn ý kiến khác nhau.
Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định từ trước, trong quá trình soạn thảo, cũng đã tham gia, thậm chí có ý kiến riêng của chuyên gia cung cấp cho Ủy ban Tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân tích, theo Công ước quốc tế về Phòng chống tham nhũng, xử lý những gì chứng minh được thì ổn, không chứng minh được thì tịch thu hoặc hình sự.
"Quan điểm của Bộ Tư pháp ngay từ đầu đối tài sản không chứng minh nguồn quốc thì phải thực hiện trình tự tố tụng tư pháp dân sự, đưa ra toà xem xét giống như các trường hợp chiếm hữu tài sản không có căn cứ", Bộ trưởng Long nói.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé đánh giá một số chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật còn chồng chéo, lãng phí.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thẳng thắn cho rằng nhận định như vậy có cơ sở, bởi qua rà soát, chỉ tính về mặt số lượng thì triển khai Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2012-2016 do Thủ tướng Chính phê duyệt có 8 đề án, còn giai đoạn 2018-2021 tiếp tục triển khai có 5 đề án. Ngoài ra còn có các chương trình của các bộ, ngành, địa phương theo thẩm quyền.
Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đều ý thức trong bối cảnh nguồn lực có hạn mà nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật rất rộng nên phải trọng tâm, trọng điểm, phải bám sát các đối tượng đặc thù để thiết kế các chương trình phù hợp. Thực tế triển khai đúng là có sự phân tán, nguồn lực không tập trung, tổ chức thực hiện cũng làm chưa tốt và Bộ Tư pháp nhận thức rõ vấn đề.
Cùng với đó, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đôn đốc, phát huy vai trò tham mưu của các cơ quan tư pháp; cân đối nguồn lực, tích cực đẩy mạnh vai trò Hội đồng phối hợp trong tham mưu và tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Bộ cũng sẽ kiểm tra và giám sát định kỳ, tính toán cân nhắc kỹ sao cho có thể cùng chia sẻ các chương trình, đề án. Bộ trưởng trân trọng đề nghị Đại biểu, cấp ủy, chính quyền địa phương đồng hành cùng Bộ giảm bớt sự chồng chéo này.../.
Thu Hằng