Chiều 13/8, trong khuôn khổ Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, đặt vấn đề: “Cử tri bức xúc trước vụ việc phạm tội có tổ chức liên quan đến một số tướng lĩnh, sỹ quan công an thời gian qua. Vụ Vũ "nhôm" là vụ điển hình của việc cài cắm nhân cốt, từ đó lợi dụng chức vụ để phạm tội, trục lợi. Sau vụ việc này, Bộ có rà soát xem còn kiểu Vũ "nhôm" hay không và Bộ đã có giải pháp nào để tránh tình trạng tiếp tục xuất hiện kiểu Vũ "nhôm" thời gian tới?”

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn. (Ảnh: TH).


Về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Vũ "nhôm" liên quan 5 vụ án, đã khởi tố điều tra và đã đưa ra xét xử vụ thứ nhất liên quan tội “Cố ý làm lộ bí mật nhà nước". Ngoài ra, đã xử 2 tướng công an theo pháp luật và xử lý một số nguyên lãnh đạo Bộ Công an vi phạm. Đây là bài học rất lớn trong quản lý cán bộ, xử lý nghiệp vụ lợi dụng để hình thành các tổ chức bình phong, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động vi phạm pháp luật.

“Đây là bài học rất đắt giá của lực lượng công an và chắc chắn không để các đối tượng, tổ chức, lực lượng, cá nhân lợi dụng để có hoạt động tội phạm. Chúng tôi đã có giải pháp rà soát, chấn chỉnh để không xảy ra vụ việc tương tự như vụ Vũ "nhôm" trong nội bộ ngành công an”, Bộ trưởng khẳng định.

ĐB Quách Thế Tản (Hòa Bình) nêu thực trạng: “Tội phạm sử dụng công nghệ cao được phát hiện ngày càng nhiều. Một số vụ việc lợi dụng chức vụ quyền hạn của cán bộ cấp cao ngành công an gây bất bình trong nhân dân. Cụ thể là đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ đồng vừa qua. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này?”.

Trả lời ĐB Quách Thế Tản, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay: Việc đấu tranh với vụ án cờ bạc trên mạng được Bộ tập trung đấu tranh trong thời gian dài. Sau đó, Công an Phú Thọ phát hiện một mảnh của vụ án, Bộ giao cho Công an Phú Thọ điều tra và thấy trong vụ án có liên quan đến cán bộ trong ngành. “Đây là bài học xương máu của chúng tôi”, Bộ trưởng bày tỏ.

Nói về nguyên nhân, Bộ trưởng Tô Lâm chỉ ra: do cán bộ không chịu rèn luyện thường xuyên, bị đồng tiền cám dỗ. Mảng công nghệ cao không phải lực lượng nào cũng nắm rõ nên có sự lợi dụng để bảo kê. Vụ việc được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Bộ cũng đã có biện pháp chấn chỉnh.

ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Ủy viên thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội) đặt câu hỏi: "Dư luận bức xúc về việc cấp 500 biển số cho doanh nghiệp và tổ chức, vì sao lại có việc này? Đến nay đã thu hồi và xử lý cá nhân liên quan chưa?"

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm nói: Thực hiện Luật Giao thông đường bộ, Bộ Công an có thông tư đăng ký, quản lý giao thông. Những năm qua, Bộ Công an chủ động phát hiện một số biển số xe cấp sai quy định. Bộ đã kiểm tra 500 biển số trên thì thấy đa số thực hiện theo thông tư của Bộ Công an. Đối chiếu thực tế các quy định thì đây là sự vận dụng. Bộ Công an đã thu hồi gần như toàn bộ. Còn 20 biển chưa thu hồi do đơn vị giải tán hoặc xe hết hạn lưu hành, hiện đang truy tìm để thu hồi.

“Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc này. Hiện nay việc đăng ký sử dụng biển số đi vào nền nếp theo đúng quy định giao thông đường bộ.” Bộ trưởng nói.

Trước phản ánh của ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) và Nguyễn Sỹ Cương (Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội) về những gian lận nghiêm trọng trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết:  Bộ Công an đã phối hợp với công an địa phương khởi tố 3 vụ án Lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ. Đây là những người tham gia chấm thi, quản lý đề thi, bài thi đã có vi phạm.

Theo Bộ trưởng, hoạt động tội phạm này không phải mới nhưng gian lận thì nhiều thủ đoạn. Có thể năm trước có tình trạng gian lận trong thi cử. Điển hình khi khảo sát các cháu đỗ đại học điểm cao nhưng khi vào học với yêu cầu cao thì nhiều cháu không theo học được.

Để phòng chống được cần phải đưa ra quy trình quản lý từ khâu ra đề thi, chấm thi và tuyển sinh. Về phía Bộ Công an cũng kiểm tra giám sát các tổ chức tội phạm có liên quan, kể cả sử dụng biện pháp kỹ thuật. Ứng dụng khoa học công nghệ để phát hiện gian lận cũng là thách thức rất lớn.

Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng, làm mất sự công bằng trong thi cử, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn nhân lực. Cũng đã có những dấu hiệu cho thấy vi phạm của cơ quan công an, cá nhân tham gia trong việc can thiệp này. Còn tiêu cực, vi phạm khác, cơ quan công an đang tiếp tục điều tra. Nếu có vi phạm về luật pháp thì cũng bị xem xét xử lý. “Quan điểm chung của Bộ Công an là những vi phạm đó, bất kể lực lượng nào, kể cả trong nội bộ đều phải được xử lý thích đáng”, Bộ trưởng nói./.

Thu Hằng