Bộ Quốc phòng duy trì hiệu quả quốc tế hợp tác an ninh mạng 

(Chinhphu.vn) - Bộ Quốc phòng với tư cách là Chủ tịch ADMM và ADMM+ trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã và đang nỗ lực duy trì có hiệu quả tiến trình hợp tác quốc phòng về an ninh mạng trong khuôn khổ ADMM+ bằng việc tổ chức các hội nghị trực tuyến.
Bộ Quốc phòng duy trì hiệu quả quốc tế hợp tác an ninh mạng

Bộ Quốc phòng phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Chiến tranh mạng và Luật Nhân đạo Quốc tế: Hàm ý với an ninh khu vực trong bối cảnh dịch COVID-19”, chiều 2/11.

Hội thảo được tổ chức nhằm phổ biến, tuyên truyền kiến thức cơ bản và thảo luận về Luật Nhân đạo Quốc tế liên quan tới chiến tranh mạng; làm cơ sở tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong xây dựng kế hoạch, triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ đảm bảo phù hợp với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế; đồng thời đóng góp cho việc nâng cao năng lực bảo đảm an ninh mạng trong khu vực, đặc biệt là giữa các nước ADMM+, qua đó góp phần nâng cao vị thế và vai trò của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Thiếu tướng Tống Viết Trung, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng Việt Nam) nhấn mạnh, an ninh mạng hiện là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm, nghiên cứu và thúc đẩy, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, tác động nhiều chiều, sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số, tất cả cơ sở hạ tầng thiết yếu, quan trọng như: Giao thông, y tế, năng lượng đều được kết nối với internet. Điều này làm cho an ninh, an toàn không gian mạng trở thành vấn đề tối quan trọng với các nước, bất kể đó là quốc gia phát triển hay không.

Theo Thiếu tướng Tống Viết Trung, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh thế giới đã và đang đứng trước thách thức nghiêm trọng chưa từng có trong lịch sử hiện đại gây ra bởi đại dịch COVID-19. Các quốc gia phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số nhằm ứng phó với đại dịch và an ninh mạng tiếp tục là vấn đề hàng đầu được ASEAN cũng như Việt Nam quan tâm, tăng cường hợp tác.

Bộ Quốc phòng với tư cách là Chủ tịch ADMM và ADMM+ trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, đã và đang nỗ lực duy trì có hiệu quả tiến trình hợp tác quốc phòng về an ninh mạng trong khuôn khổ ADMM+ bằng việc tổ chức các hội nghị trực tuyến.

Thiếu tướng Tống Viết Trung nhấn mạnh cùng với các quốc gia khác trong ASEAN, Việt Nam đồng thuận trong việc khẳng định những cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trọng yếu nên được hiểu như là tài sản quốc gia, tạo thành xương sống cho các chức năng, dịch vụ và hoạt động quan trọng nhất của xã hội.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chú trọng tăng cường tiềm lực an ninh mạng để bảo vệ các hạ tầng thông tin trọng yếu thông qua việc đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ, năng lực cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các phần mềm, thiết bị công nghệ hiện đại phục vụ cho công tác bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu; tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và quốc tế để kịp thời ứng phó với các sự cố tấn công vào các cơ sở hạ tầng thông tin này.

Đồng quan điểm với ICRC, Việt Nam ủng hộ việc áp dụng Luật Nhân đạo Quốc tế cho các cuộc xung đột vũ trang mà không gian mạng là một không gian có thể xảy ra xung đột và Việt Nam cũng hoan nghênh các cam kết trước đó của ICRC trong vấn đề này.

Để Luật Nhân đạo Quốc tế có thể đạt được mục tiêu đề ra, phải nhận định được rủi ro mà các hoạt động trên không gian mạng có thể gây ra như: chết người, thương vong, thiệt hại vật chất hoặc ảnh hưởng đến việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân, các dịch vụ internet cốt lõi… "Bộ Quốc phòng Việt Nam cam kết tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các cơ chế hợp tác quốc phòng ASEAN về đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng, ngăn chặn các hoạt động tấn công mạng, xâm phạm chủ quyền của các quốc gia trên không gian mạng và các cuộc chiến tranh mạng”, Thiếu tướng Tống Viết Trung nhấn mạnh.
 

Nhật Nam
280 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 478
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 478
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88619428