Ngày 25/1, Bộ Ngoại giao Iran tuyên bố nước này sẽ thực hiện lại các cam kết hạt nhân của mình nếu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh: "Chúng tôi đã công bố lập trường của mình. Chúng tôi muốn chứng kiến việc Mỹ và các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện - JCPOA) dỡ bỏ trừng phạt và thực thi hiệu quả thỏa thuận này. Chúng tôi chưa thấy có gì mới về JCPOA."
Ông lưu ý nếu Mỹ tuân thủ các nghĩa vụ của mình, các biện pháp giảm bớt cam kết hạt nhân của Iran sẽ có thể đảo ngược.
[Viễn cảnh về một thỏa thuận hạt nhân với Iran phiên bản 2.0]
Trước đó, ngày 23/1, trong cuộc trả lời phỏng vấn đăng trên báo Etmad, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng kêu gọi chính quyền mới của Mỹ dỡ bỏ vô điều kiện các biện pháp trừng phạt do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Ông Zarif nhấn mạnh đổi lại, Iran sẽ hủy bỏ tất cả những biện pháp đáp trả đối với việc ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Thỏa thuận JCPOA, được Iran ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).
Năm 2018, cựu Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran.
Đáp lại, Iran đã giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng mức làm giàu urani. Iran khẳng định nước này đủ năng lực làm giàu urani ở độ tinh khiết 90% - mức để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Ông Biden, người nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 vừa qua, đã đề cập khả năng Mỹ quay trở lại thỏa thuận.
Trong một dấu hiệu cho thấy ý định nhanh chóng tiếp cận vấn đề hạt nhân Iran, ông Biden ngày 11/1 đã đề cử ông William Burns, một nhà ngoại giao đã nghỉ hưu, vào vị trí người đứng đầu Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA).
Ông Burns chính là người đã kết nối các cuộc đàm phán bí mật với Tehran để tạo cơ sở cho việc ký kết thỏa thuận năm 2015./.
Phương Hoa (TTXVN/Vietnam+)