Ngày 21/10, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Công an thành phố Thủ Dầu Một triệt phá thành công đường dây cho vay lãi nặng do Bùi Văn Cương (sinh năm 1992, quê Hải Phòng) cầm đầu. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chiến dịch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen.”
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, từ đầu năm 2024, Bùi Văn Cương cùng vợ là Trần Thị Thơm (sinh năm 1996) và các đồng phạm gồm Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1998), Hoàng Xuân Hiệp (sinh năm 1995), Đào Quang Thiệp (sinh năm 1999), Nguyễn Mạnh Sáng (sinh năm 1985) đã đến thành phố Thủ Dầu Một để hoạt động cho vay nặng lãi.
Hình thức cho vay chủ yếu là trả góp với lãi suất từ 0,7%/ngày và vay đứng với lãi suất từ 1%/ngày, tương đương mức lãi suất từ 243% đến 365%/năm.
Các đối tượng đã cho nhiều người dân ở thành phố Thủ Dầu Một vay tiền, với tổng lợi nhuận bất chính thu được lên tới khoảng 290 triệu đồng.
Cơ quan chức năng đang điều tra, làm rõ vụ việc.
Như phóng viên TTXVN phản ánh, tình hình tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” tại Bình Dương đang có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê từ Công an, trong đợt cao điểm từ cuối năm 2023 đến tháng 9/2024, lực lượng chức năng triệt phá 9 vụ việc với 22 đối tượng liên quan, tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ năm trước.
Các hình thức cho vay rất đa dạng, từ cho vay tiền mặt với lãi suất cao đến những hành vi khủng bố tinh thần, đe dọa người vay nợ.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng của “tín dụng đen” tại Bình Dương là nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là lao động có thu nhập thấp gặp khó khăn về tài chính.
Nhiều người rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” khi không chỉ phải chịu lãi suất cao mà còn bị ràng buộc bởi nhiều điều khoản khắc nghiệt.
Thiếu hiểu biết về các hình thức cho vay và quy định pháp luật cũng là yếu tố khiến người dân dễ dàng bị lôi kéo bởi những lời chào mời hấp dẫn từ các đối tượng cho vay nặng lãi.
“Tín dụng đen” không chỉ gây tổn hại đến kinh tế cá nhân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự tại địa phương. Nhiều vụ việc bạo lực, đe dọa, thậm chí là giết người xảy ra do mâu thuẫn trong việc đòi nợ.
Cuộc sống của nhiều gia đình bị xáo trộn, tâm lý lo lắng trong cộng đồng gia tăng. Hoạt động “tín dụng đen” gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quản lý an ninh trật tự.
Để giải quyết tình trạng trên, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng đẩy mạnh phổ biến thông tin thủ đoạn và dấu hiệu nhận diện loại tội phạm này nhằm giúp người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tố giác tội phạm, ngăn chặn tội phạm “tín dụng đen” từ gốc, bảo đảm môi trường sống an toàn, lành mạnh cho nhân dân./.
Từ năm 2022-2024, các đối tượng cho nhiều người dân trên địa bàn thành phố Tuy Hòa, thị xã Đông Hòa và huyện Phú Hòa (Phú Yên) vay số tiền hơn 2,6 tỷ đồng, với lãi suất từ 282-386%/năm.